Cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2024 về nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, huyện đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, rõ trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó những tháng đầu năm, bức tranh tăng trưởng kinh tế của địa phương có nhiều điểm sáng.
Các mục tiêu trọng tâm
Từ cuối năm 2023, Huyện ủy Đầm Hà ban hành Nghị quyết số 16-NQ/HU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Trên cơ sở đó, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kịch bản tăng trưởng kinh tế, chương trình hành động với những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm được huyện chuẩn bị, xây dựng từ sớm, đi vào triển khai với sự chủ động, đồng bộ cao.
Cụ thể, huyện phấn đấu năm 2024 mức tăng trưởng kinh tế từ 17,7% trở lên. Trong đó: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng 15% trở lên; giá trị sản xuất ngành CN,TTCN, xây dựng tăng 17% trở lên; tổng doanh thu thương mại, dịch vụ, du lịch tăng 21,7% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội tăng từ 18,8% trở lên. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt 4.350 USD; thu ngân sách trên địa bàn tăng 10% so với kế hoạch tỉnh giao…
Để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, huyện tiếp tục bám sát định hướng lâu dài về ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng cho các nông sản. Cụ thể là tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; tiếp tục triển khai Đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung và Đề án phát triển rừng trồng, rừng gỗ lớn; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển; siết chặt quản lý và khai thác có hiệu quả đất đai, bãi triều, khu vực biển phục vụ sản xuất…
Huyện đang đẩy mạnh các giải pháp phát triển CN,TTCN, thương mại, dịch vụ trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt: Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng mở rộng thị trấn Đầm Hà; Quy hoạch chung 8 xã trên địa bàn huyện. Qua đó thu hút các nhà đầu tư vào các dự án lớn, thuộc các lĩnh vực có thế mạnh. Tiêu biểu như đầu tư hạ tầng CCN Đông Đầm Hà B; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bò sữa; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao NTTS cấp tỉnh… Đồng thời thực hiện các đề án phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, trải nghiệm, như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Quảng An giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; Dự án khu du lịch sinh thái đảo Đá Dựng…
Duy trì đà tăng trưởng
Trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 941,5 tỷ đồng; thu NSNN đạt trên 598 tỷ đồng, đạt 68% dự toán tỉnh giao, 67% dự toán huyện giao. Đến nay huyện có 11 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp tiêu biểu được đăng ký, triển khai tại 8 xã, gồm: 2 dự án trồng cây dược liệu (bách bộ, trà hoa vàng); 1 dự án trồng cây ăn quả (chanh leo); 3 dự án trồng cây lương thực (khoai lang, lúa, củ cải); 1 dự án nuôi và chế biến hàu; 4 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trong định hướng phát triển bền vững, huyện quan tâm dành nguồn lực đáng kể thúc đẩy các mô hình sản xuất ở các thôn, xã vùng đồng bào DTTS. Tranh thủ nguồn lực từ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, đến nay huyện đạt toàn bộ 21 chỉ tiêu/10 nhóm mục tiêu của Chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt 74,4 triệu đồng/năm (tăng 1,2 so với năm 2020); tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo nghề đạt 87%, trong đó trên 52,5% có bằng cấp chứng chỉ…
Văn hóa được quan tâm bảo tồn, phát huy thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với khai thác cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030…
Giai đoạn tiếp theo, huyện tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc cho tăng trưởng toàn diện từ thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Cụ thể, huyện tập trung triển khai Đề án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó cân đối ngân sách, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng ác dự án động lực thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư phát triển CCN, KCN, hoàn thiện hạ tầng bưu chính, viễn thông, nâng cấp lưới điện, nước sạch sinh hoạt…
Huyện duy trì công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCCVC theo đúng vị trí việc làm; xây dựng chính quyên thân thiện, phục vụ tốt nhân dân và doanh nghiệp; cải cách TTHC, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng đạo đức công vụ… Đồng thời thực hiện tốt công tác điều hành thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính – ngân sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương không để vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí…
Hiện nay, huyện Đầm Hà có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6/8 xã đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 4/8 xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xã Đầm Hà, xã Quảng Tân đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đầm Hà lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra mục mục tiêu phấn đấu xây dựng Đầm Hà trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện, huyện Đầm Hà hiện đã có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại được đầu tư đồng bộ; đã có nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và sử dụng Internet. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần và được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia. 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã triển khai áp dụng ký số trong việc phát hành văn bản theo đúng quy định. 9/9 xã, thị trấn đã lắp đặt camera giao thông và hệ thống mạng Wifi kết nối Internet tại các nhà văn hóa thôn. Duy trì và phát huy hiệu quả 70 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, bản, khu phố. 100% công dân thường trú và tạm trú trên địa bàn huyện đã được cấp CCCD gắn chíp điện tử; đã kích hoạt định danh điện tử mức 1 và 2 cho trên 17.000 tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn…
|