Từ đặc thù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Quảng Ninh đang có hàng trăm nông sản lớn nhỏ, trong đó có hơn 300 sản phẩm OCOP đã được cấp sao (3-5 sao). Quá trình phát triển các nông sản thời gian qua đã chứng minh sản phẩm nào có vùng nguyên liệu ổn định là lợi thế lớn để phát triển bền vững, giá trị cao.
Đạt 5 sao nhờ vùng nguyên liệu
Cuối năm 2023, 3 sản phẩm ngọc trai Akoya, Tahiti và Southsea, đều thuộc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long (HaLong Pearl Jsc) đã được Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Đây cũng là 3 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Quảng Ninh. Một trong những điểm cộng để Akoya, Tahiti và Southsea trở thành sản phẩm OCOP 5 sao là có vùng nguyên liệu rộng lớn.
Có mặt ở vùng biển Hạ Long từ hàng chục năm trước, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long là một trong ít doanh nghiệp sớm xây dựng được vùng nguyên liệu. Từ kinh nghiệm của những người vùng biển Hạ Long kết hợp với quá trình liên tục chuyển giao, áp dụng công nghệ, khoa học từ Nhật Bản vào sản xuất, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long luôn có vùng nuôi cấy trai rộng lớn, có khả năng cung ứng nguồn trai ngọc và ngọc trai thô thường xuyên và chất lượng cao. Từ đây công ty có thể chủ động về nguyên liệu để chế tác nhiều loại sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng từ cơ bản đến tinh xảo.
Cùng với ngọc trai Hạ Long, các nông sản khác của Quảng Ninh hiện có vùng nguyên liệu khá dồi dào. Tiêu biểu như miến dong Bình Liêu, trà Hải Hà, na, lúa Đông Triều, quế, hồi Bình Liêu, gà Tiên Yên, củ cải Đầm Hà, cây thông, tôm nuôi… Những loại cây, con này có tính bản địa cao, phù hợp với đồng đất, khí hậu để phát triển. Bên cạnh đó, việc các địa phương quy hoạch, gìn giữ và mở rộng vùng nuôi trồng một cách có kế hoạch, có chính sách hỗ trợ cụ thể đã góp phần đảm bảo vùng nguyên liệu nông sản.
Tính đường dài cho nông sản chủ lực
Sản xuất thuỷ sản hiện nay đang chiếm trên 50% tỷ trọng của toàn ngành nông nghiệp. Với chiến lược phát triển tăng nuôi trồng, giảm khai thác, Quảng Ninh đang xác định đúng vào vùng dư địa phát triển rất lợi thế của mình. Hiện nay, đối tượng nuôi thuỷ sản chủ lực của Quảng Ninh vẫn là tôm, nhuyễn thễ và cá biển.
Những “cú huých” về nuôi biển gần đây của Quảng Ninh, như việc giao khu vực biển, quy hoạch 45.000ha dành cho nuôi biển, cấp mã vùng NTTS… là điều kiện rất cần thiết để tỉnh có những vùng nguyên liệu thuỷ sản tập trung và bền vững, qua đó phục vụ sản xuất hàng hoá và xuất khẩu. Quan trọng hơn, việc hình thành rõ ràng những vùng nguyên liệu thuỷ sản góp phần xoá đi tình trạng phát triển thuỷ sản tự phát, chồng lấn đã tồn tại trong thời gian dài trước đó.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, với gần 240.000ha đất rừng dành cho rừng sản xuất, dư địa để tạo ra các vùng nguyên liệu cho chế biến lâm sản là rất lớn. Giống như nhiều địa phương khác, rừng trồng Quảng Ninh trải qua thời gian dài gắn với cây keo. Loài cây này đã giúp người dân không chỉ xoá đói, giảm nghèo, mà còn vươn lên vững vàng về kinh tế, đảm bảo đời sống. Cho đến nay, giá trị của cây keo không giảm mà ngược lại có thể gia tăng nếu tạo được nguồn gỗ keo đạt chuẩn về chất lượng.
Theo ông Mạc văn Xuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, điều thuận lợi là trên địa bàn đang có diện tích keo khá lớn, người dân cũng quen với việc trồng keo. Những việc mà Chi cục Kiểm lâm đang nỗ lực tham mưu cho ngành thực hiện như cải tạo nguồn giống keo, vận động người dân trồng mới hoặc chuyển đổi mô hình trồng keo từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, quy hoạch các điểm chế biến sâu phục vụ cây keo… là những giải pháp rất cần thiết để phát triển lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, việc phát triển đa dạng các loại cây bản địa, cây gỗ lớn như thông, hồi, quế… sẽ tạo vùng nguyên liệu ổn định để phục vụ công nghiệp chế biến tùng hương, các sản phẩm hồi, quế là xu hướng phát triển lâm nghiệp tất yếu.
Với đặc thù địa hình chia cắt, Quảng Ninh không phù hợp với mô hình chăn thả những đàn gia súc lớn số lượng tập trung. Sở dĩ đàn bò của Công ty TNHH Phú Lâm duy trì được sản lượng chiếm 30-40% tổng đàn bò của tỉnh thời gian qua một phần là nhờ đơn vị này đã chủ động tạo cho mình diện tích đồng cỏ khá lớn, giúp chủ động về nguồn thức ăn. Giai đoạn giá thức ăn giá súc tăng cao, Công ty TNHH Phú Lâm chuyển đổi công thức, khẩu vị thức ăn cho đàn bò từ nguyên liệu nhập sang nguyên liệu sản xuất tại chỗ. Ví dụ như tinh bột lấy từ củ sắn, các sản phẩm cỏ ủ chua, lên men… qua đó đã giảm chi phí đầu vào, đảm bảo hiệu quả sản xuất. Đàn bò của Phú Lâm cũng được áp dụng phương thức nuôi nhốt thay vì áp dụng phương thức chăn thả.
Cùng áp dụng mô hình nuôi nhốt như Công ty TNHH Phú Lâm, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn trên toàn tỉnh thời gian qua cũng đã chủ động cho mình nguồn thức ăn tại chỗ. Riêng đối với con gà Tiên Yên, dựa vào thế mạnh đồi núi thấp của mình, các hộ chăn nuôi áp dụng phương thức chăn thả một phần, đồng thời tận dụng các nông sản phụ trong vùng để tạo thức ăn phù hợp.
Có thể nói, sản xuất nông sản gắn với vùng nguyên liệu, cùng các mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp hiện nay, đáp ứng chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp Quảng Ninh.