Do diễn biến phức tạp của thời tiết, trên địa bàn TP Hạ Long thường xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở vào mùa mưa bão. Năm 2024, TP Hạ Long tập trung nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Tuấn Minh về nội dung này.
– Xin ông cho biết nguyên nhân của tình trạng ngập lụt, sạt lở trên địa bàn thành phố?
+ Thành phố có diện tích tự nhiên trên 1.119km2 thì có tới gần 900km2 là đồi núi với nhiều sông, suối, đập tràn, cộng với đặc điểm địa hình có độ dốc lớn về phía biển, trong khi đó tốc độ đô thị hóa nhanh, một số khu dân cư lại có cốt nền quá thấp, do đó TP Hạ Long thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập úng, sạt lở, lũ ống. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận thực tế là thời gian qua một số dự án cấp, thoát nước, dự án xây dựng đô thị, đường giao thông trên địa bàn thực hiện chưa đồng bộ, nên dễ xảy ra ngập úng cục bộ khi mưa lớn, kéo dài.
Nhiều dự án trong quá trình thi công chưa tính toán hết các mức độ ảnh hưởng của thiên tai, dẫn đến việc khi mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực ven dự án (nước, bùn đất trôi xuống khu dân cư, đường giao thông…). Ví dụ như các dự án: Khu dân cư đô thị đồi Đồng Rực; đồi Thủy sản; tuyến đường nối QL279 đến tỉnh lộ 342 đoạn qua thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm; đường lên trung tâm xã Đồng Sơn…
– Theo dự báo, năm 2024 tiếp tục là năm chuyển pha ENSO, do vậy thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh. TP Hạ Long sẽ có giải pháp nào để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thưa ông?
+ Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng chống lụt bão với phương châm: “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”.
Hiện thành phố đã tổ chức rà soát, kiểm tra và cập nhật thường xuyên bản đồ hiện trạng toàn bộ 298 điểm có nguy cơ sạt lở, nguy cơ úng lụt trên địa bàn. Bao gồm 192 điểm có nguy cơ sạt lở, 86 điểm có nguy cơ ngập úng và 20 điểm có nguy cơ khác như đá rơi, lốc xoáy, lũ quét… Từ đó, yêu cầu UBND các xã, phường và chủ đầu tư các dự án chủ động xây dựng phương án, cảnh báo cho người dân chủ động phòng tránh; tổ chức đầu tư, sửa chữa, nạo vét, khơi thông các tuyến cống để đảm bảo thoát nước. Đồng thời, chỉ đạo kiện toàn và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trên toàn bộ 33 xã, phường, với 1.500 người là dân quân, tự vệ trong đội xung kích. Thành phố cũng tập trung nguồn lực đầu tư một loạt công trình phòng chống thiên tai nằm trong phạm vi các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đến nay, một số công trình đã được đưa vào sử dụng, còn lại các đơn vị đang gấp rút hoàn thiện.
Thành phố cũng giao UBND các xã, phường thực hiện khắc phục 26 điểm sạt lở taluy dương bằng nguồn ngân sách thành phố, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đối với tình trạng ngập lụt do triều cường tại Khu đô thị lấn biển Vựng Đâng do Công ty CP Xây dựng công trình 507 làm chủ đầu tư, ngày 10/5, Công ty CP Xây dựng công trình 507 đã tiến hành khởi công cải tạo 22 tuyến đường với tổng chiều dài 3km và cải tạo, sửa chữa gần 24.000m2 vỉa hè. Dự kiến đến tháng 11/2024, đơn vị hoàn thành các hạng mục. Quá trình thi công, UBND TP Hạ Long chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và UBND phường Yết Kiêu thường xuyên giám sát, đôn đốc công ty báo cáo tiến độ, khối lượng thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết.
– Trân trọng cảm ơn ông!