Là một quần đảo nằm xa đất liền, có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch, Cô Tô xác định về lâu dài phát triển du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, trở thành huyện đảo du lịch sinh thái, chất lượng cao, là trung tâm du lịch quốc gia. Mục tiêu này đã và đang được huyện đảo từng bước hiện thực hoá từ khai thác tốt các lợi thế của địa phương để phát triển du lịch chất lượng cao.
Mục tiêu nâng chất du lịch
Năm 2023 vừa qua và năm nay, Cô Tô đều đã và đặt mục tiêu thu hút trên 300.000 lượt khách. Kể cả những năm trước dịch Covid-19 thì khách du lịch tới đây cũng lên tới hàng trăm nghìn lượt mỗi năm. Lượng khách này lớn hơn rất nhiều so với số dân cư chưa tới 7.000 người của huyện. Chính vì vậy, trong quan điểm phát triển du lịch năm nay, địa phương xác định nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, du lịch theo hướng ưu tiên thu hút đối tượng khách có năng lực chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Không khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch bình dân và các tour du lịch giá rẻ, nhằm hạn chế việc tác động xấu đến môi trường và quá tải cho hạ tầng kỹ thuật…
Ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Những năm gần đây, Cô Tô có chuyển mình rất lớn về hoạt động du lịch, nhà hàng, khách sạn rất nhiều, tính chuyên nghiệp bắt đầu cao. Cô Tô cũng tập trung thu hút, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới chất lượng cao nhưng không làm ồ ạt mà làm từng bước chắc chắn, có chọn lọc. Địa phương được quy hoạch 10 điểm lặn biển, với lợi thế có loại hình du lịch lặn biển duy nhất ở khu vực phía Bắc, tuy nhiên huyện chỉ lựa chọn 3 điểm an toàn nhất để thí điểm và những điểm này không bị chồng lấn trong khu vực bảo tồn biển Cô Tô – đảo Trần đã được quy hoạch.
Một cái thiếu của Cô Tô để vươn tầm là chưa có những nhà đầu tư chiến lược về dịch vụ du lịch. Nói về điều này, ông Đặng Quang Ngạn, Phó Bí thư Thường trực Cô Tô, phân tích: Để phát triển du lịch Cô Tô sau này thì chúng tôi phải bám vào quy hoạch, quản lý chặt chẽ quy hoạch và không lãng phí nguồn tài nguyên đất của mình. Cô Tô hiện giờ đang quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành, lĩnh vực, xong sẽ kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tầm nhìn để ra với Cô Tô, đó mới là cái chúng tôi quan tâm.
Ngoài ra, vẫn duy trì phát triển du lịch cộng đồng để đảm bảo đời sống người dân nhưng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, từ phục vụ cho tới chất lượng cơ sở lưu trú, đặc biệt gắn với văn hoá truyền thống vùng biển đảo, để tạo nên sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Cô Tô nhiều hơn.
Giữ rừng, bảo tồn những loại cây, con quý
Khao khát thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, tuy nhiên Cô Tô xác định phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh riêng trên cơ sở giữ rừng, bảo tồn những giá trị cây, con đặc hữu, quý hiếm của địa phương. Ông Ngạn cho hay, toàn tỉnh chỉ có Cô Tô không giao đất, giao rừng cho dân và quản lý rất tốt. Vì thế, địa phương xác định là giữ nguyên rừng khi làm du lịch, kể cả có xen kẹp thì chấp nhận rừng giữa khu du lịch và khu du lịch giữa rừng để vừa giữ được cảnh quan vừa phát triển dịch vụ.
Thời gian qua, Cô Tô đã thực hiện dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cây Tùng của huyện. Gần đây, cây Tùng Cô Tô (gồm cây Tùng La hán và cây Tùng đen Cô Tô) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định số 28425/QĐ-SHTT ngày 19/3/2024. Đây là cây bản địa, nguồn gen quý, có giá trị tâm linh, phong thủy trong văn hóa và tư duy của người dân huyện đảo. Cây cũng được xếp vào hàng cây cảnh quý hiếm, nhiều người ưa chuộng nên có giá trị cao. Vì vậy, với việc đăng ký nhãn hiệu, cây Tùng Cô Tô cũng mở ra tiềm năng kinh tế cho người dân phục vụ du lịch. Khách ra Cô Tô ngoài hải sản mang về thì có thể mua những cây tùng con, cây bonsai về trưng bày…
Cô Tô còn thu hút du khách bởi những khu rừng chõi nguyên sinh lớn, những hàng cây phong ba ven biển nở hoa trắng xoá khi vào mùa… Việc gìn giữ, bảo vệ những loài cây quý này có sự vào cuộc ngay từ chính người dân địa phương. Ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường và Nông nghiệp Cô Tô, chia sẻ: Rừng chõi có cả ở đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân, hằng năm đều có sự kiểm tra. Người dân cũng rất nhạy cảm, khi có ảnh hưởng tiêu cực từ thiên nhiên, thời tiết tới các loại cây này, bà con đều báo cho chính quyền. 2 năm vừa qua, rừng chõi đều xuất hiện các loại sâu ăn lá chõi, huyện đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức phun thuốc bảo vệ cây thành công, giữ gìn một loại cây đặc thù, tạo nên cảnh quan riêng cho Cô Tô.
Không chỉ là trên rừng, huyện đảo còn có nguồn lợi thuỷ sản giàu có. Khu bảo tồn biển Cô Tô – đảo Trần đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là một trong 16 Khu bảo tồn biển của cả nước. Theo đó, ông Hùng cho hay, Khu bảo tồn biển Cô Tô – đảo Trần khi thành lập sẽ có 18.000ha để bảo vệ, trong đó phân ra các vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái… Các hoạt động sẽ theo quy chuẩn, không có việc khai thác bừa bãi, bất hợp pháp, dùng ngư cụ cấm mà ngược lại vừa khai thác vừa bảo tồn, ví như các loài hải sản khai thác theo thời điểm, kích cỡ, theo mùa, tránh những giai đoạn cá, tôm sinh trưởng…
Thời gian qua, các dự án trồng phục hồi san hô trên vùng biển Cô Tô cũng được địa phương và các ngành chức năng quản lý chặt chẽ, người dân địa phương ngày càng nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo vệ các rạn san hô, các loài thú biển quý hiếm như cá heo, cá voi, rùa biển… Ở trên bờ, Cô Tô hiện đang phấn đấu sẽ không có rác thải nhựa trên địa bàn, phân loại rác thải tại nguồn. Qua đó, góp phần quan trọng cho bảo vệ môi trường, tài nguyên sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch bền vững trên địa bàn.
Gia tăng giá trị nông sản địa phương
Cô Tô được thiên nhiên ban tặng rất nhiều sản vật ở biển với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao, như bào ngư, hải sâm, cá ngựa, các loài nhuyễn thể. Ông Hùng cho hay, ra với Cô Tô, du khách ấn tượng khi được thưởng thức ẩm thực nơi đây. Trong đó, nhiều du khách nhớ mãi con mực Cô Tô dày mình, đậm đà, có nhiều cách chế biến theo mùa với hương vị khác biệt, chất lượng thơm ngon hơn so với nhiều vùng biển khác.
Cá duội cũng là thứ trời ban cho Cô Tô, rồi các sản phẩm về sứa. Rong, tảo biển ở Cô Tô cũng rất đa dạng, đã được Sở NN-PTNT đưa đi kiểm nghiệm, xác định không có hoá chất, chất độc hại, đặc biệt có giá trị dinh dưỡng cao, sản lượng nhiều nhất là vào mùa hè. Hay như khoai lang trồng trên đất cát Cô Tô không chỉ có năng suất cao, vị ngọt rất đặc biệt mà lá ngọn khoai lang ăn cũng rất giòn, ngọt…
Chính vì vậy, để bảo tồn, khai thác tốt những nét đặc trưng riêng về ẩm thực vùng biển đảo phục vụ cho du lịch, Cô Tô đã và đang thực hiện tốt các quy hoạch để xác định các vùng nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản là thế mạnh của huyện rồi xác định các vùng chuyên canh để trồng cây nông nghiệp với một số cây chủ lực, đặc hữu trên địa bàn. Tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nuôi trồng để có năng suất, chất lượng tốt, kể cả việc khai thác, chế biến đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP. Xây dựng các thương hiệu để vừa đảm bảo được chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sản phẩm.
Ông Hùng bày tỏ: Cần phải làm sao tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa nhà nông, nhà sản xuất, doanh nghiệp cũng như ngân hàng hỗ trợ các gia đình phát triển để tiến tới thành lập được các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi tạo ra giá trị thì mới mong tạo ra giá trị cạnh tranh vì giá cả ở đảo cao, trong khi diện tích đất không lớn. Tuy nhiên, sẽ phải tập trung vào những cây bản địa có giá trị, không đòi hỏi diện tích lớn như cây tùng để làm cây cảnh, hay cây dược liệu và một số sản phẩm khác cũng lựa chọn phát triển ngay tại chỗ phục vụ cho khách du lịch. Vì vậy, nếu phát triển tốt thì sẽ có những mặt hàng xuất khẩu ngay tại chỗ, tạo ra giá trị lớn, góp phần phục vụ cho du lịch và ngược lại du lịch làm gia tăng giá trị của nông sản, giúp bà con yên tâm bám biển, giữ đảo, làm giàu từ mảnh đất quê hương.