Đối với Quảng Ninh, điện ảnh và du lịch là các ngành công nghiệp văn hoá cần có cái bắt tay để đồng hành cùng phát triển. Để làm được điều đó cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
– Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển công nghiệp điện ảnh tại Quảng Ninh?
+ Ngay từ năm 1992, khi mà bộ phim “Đông Dương” được quay ở Quảng Ninh, nơi đây đã nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho điện ảnh. Quảng Ninh là nơi hiếm hoi trên thế giới được thiên nhiên ưu ái đặc biệt về cảnh đẹp độc đáo có một không hai. Đó là tiềm năng lớn nhất để thu hút các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Khi mà các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến, là yếu tố khả quan phát triển công nghiệp điện ảnh hiện nay.
Tuy nhiên, để có thể phát triển các ngành công nghiệp văn hoá nói chung, điện ảnh nói riêng thì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
– Bà có thể chia sẻ rõ hơn câu chuyện này?
+ Thực ra thì tại Việt Nam, rất nhiều tỉnh thành đang nằm ở trong cái gọi là ưu đãi như Quảng Ninh. Nhưng hàng chục năm, thậm chí là ba bốn chục năm qua vẫn cứ ở dạng tiềm năng. Có nghĩa là chủ trương có rồi nhưng không phát huy được cái tiềm năng thế mạnh sẵn có của mình. Và rồi cuối cùng thì vẫn cứ nói rằng là đang tiềm ẩn các tiềm năng.
Suy cho cùng, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Tôi muốn nói, đây là cái phần chủ động của mình sẽ làm gì. Trước tiên là nói về việc thu hút đoàn làm phim. Chúng tôi rất hy vọng, khi Luật Điện ảnh mới có hiệu lực sẽ có những cơ chế ưu đãi cho việc làm phim. Nhất là những đoàn làm phim nước ngoài đến từng địa phương, sẽ có ưu đãi từ nguồn tiền thuế, tiền chi phí và lệ phí ở địa phương thì sẽ bị trừ % và đây là cái gọi là thông lệ trên thế giới.
Nhưng vì trước đây chúng ta chưa có ưu đãi, cho nên có thiên nhiên đẹp, con người thì hiếu khách nhưng công nghiệp điện ảnh của chúng ta thì vẫn cứ ở dạng tiềm năng. Bởi vì các đoàn làm phim, người ta sẽ đến những nơi nó không đẹp bằng chúng ta nhưng mà nó lại được ưu đãi nhiều hơn và ngay bên cạnh chúng ta. Ví dụ như họ sẽ đến Thái Lan, Philippine. Đáng buồn hơn khi nhiều bộ phim mà câu chuyện là câu chuyện Việt Nam nhưng bối cảnh quay phim thì ở các nước lân cận.
– Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, bà có thể cho biết những giải pháp nào để phát triển điện ảnh tại Quảng Ninh?
+ Chúng tôi xác định là mình sẽ phải chủ động. Có nghĩa là Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam có công bố chỉ số thu hút đoàn làm phim gọi tắt là PAI. Trong chỉ số đó có những tiêu chí từ địa phương sẽ phải tự đánh giá và tự cam kết. Ví dụ, như cam kết và đánh giá xem lại vấn đề minh bạch thông tin ở địa phương, ưu đãi về tài chính địa phương. Khi Nhà nước chưa có ưu đãi về tài chính thì từng địa phương theo hoàn cảnh của mình có thể ưu đãi. Hay là ưu đãi về con người, có nghĩa là con người phối hợp với các đoàn làm phim như thế nào. Ưu đãi về hạ tầng cơ sở, ưu đãi về tất cả những dịch vụ khác nữa. Hiện nay, Phú Yên đang dẫn đầu bộ chỉ số đó.
Còn nhớ, trước đây phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra rạp thì làn sóng du lịch đến Phú Yên tăng nhanh. Chúng tôi cũng hy vọng ở Quảng Ninh hoàn toàn có thể làm cách như vậy. Khi Quảng Ninh đăng ký vào mạng lưới như thế, công bố thông tin của tỉnh với tất cả những lợi thế về thiên nhiên, con người nó sẽ được coi như là một lời cam kết của địa phương.
– Nhưng về lâu về dài, vẫn là khó khăn từ nguồn nhân lực, thưa bà?
+ Lâu dài hơn và mất công hơn là phát triển đội ngũ. Đội ngũ làm điện ảnh tại chỗ rất là khó nhưng mà mình sẽ có đầu tư để mời những tài năng ảnh Việt Nam với tổ chức quốc tế đến đây xem, phải viết kịch bản làm phim về bối cảnh Quảng Ninh. Hay như việc Quảng Ninh tổ chức những sự kiện điện ảnh, chiếu phim, rồi có những sự kiện khác nữa.
Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam của chúng tôi rất mừng là năm 2022, Quảng Ninh đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện trao giải phim về môi trường phim ngắn mang tên là “Màn ảnh xanh”. Chúng tôi mong muốn, những sự kiện đó nó phải là những chuỗi liên tục chứ đừng dừng nghỉ.
– Bà có thể nói rõ hơn về cái bắt tay giữa điện ảnh và du lịch ở Quảng Ninh?
+ Từ việc thu hút đoàn phim thì sẽ có những điều kiện phát triển du lịch không thể ngờ đến. Ví dụ như trường hợp Phú Yên đang từ một chỗ mà không ai biết đến nhưng khi có phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trở thành nơi mà khách đổ đến du lịch. Tôi biết sắp sửa có đoàn phim Ấn Độ sang quay một bộ phim về tình yêu Việt – Ấn và kết thúc bằng một đám cưới. Ấn Độ người ta làm đám cưới sang trọng và có thể nói là tỷ phú thì sức hút rất lớn, như vậy các ngành dịch vụ trong đó có du lịch của mình sẽ phát triển hơn.
Trong Liên hoan phim Việt Nam được tổ chức tại Quảng Ninh năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước đầu tư máy kỹ thuật số chiếu phim. Sau Liên hoan phim, chiếc máy chiếu nói trên đã được đưa về thư viện. Mặc dù cụm công trình bảo tàng và thư viện rất đẹp là nơi nhiều du khách đến tham quan nhưng đưa máy chiếu phim về đây là chưa phù hợp với sự phát triển của công nghệ điện ảnh. Cách hưởng thụ điện ảnh hiện nay đã khác xa ngày xưa thì cách làm phim và phát hành phim cũng phải thay đổi. Giờ đây, chúng ta có những sản phẩm đa phương tiện như phim trực tuyến, phim hoạt hình 3D, phim quảng cáo… Có thể nói, các sản phẩm nội dung số chiếm vị trí ngày càng quan trọng, tạo ra giá trị kinh tế và đồng thời tạo sức mạnh “mềm”.
– Trong Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trong mong muốn của nhiều văn nghệ sĩ thì sẽ xây dựng Hạ Long thành một trung tâm điện ảnh. Bà nghĩ sao về ý tưởng này?
+ Tôi nghĩ là hoàn toàn có khả năng nhưng trước tiên phải hiểu rõ, trung tâm điện ảnh là muốn làm gì, làm cái gì, phải hiểu rõ nó là cái gì, thế thì nó phải có những cái cụ thể. Ví dụ như một trung tâm điện ảnh là nơi tổ chức sự kiện điện ảnh, thu hút các đoàn làm phim hay là nơi ươm mầm cho các tài năng điện ảnh… Một lần nữa, tôi khẳng định lại Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng có đầy đủ những ưu thế, mà không phải là vùng đất nào trên thế giới có được. Vì thế cần sự quyết tâm, theo sát, bám đuổi đến cùng và cũng cần sự phối hợp của các chuyên gia, đơn vị nữa.
-Cám ơn Tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn!
– Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!