Sự phục hồi của sản xuất, xuất khẩu khiến nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu tăng cao kéo theo kim ngạch nhập khẩu từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng.
Nhóm hàng cần nhập khẩu tăng mạnh
Theo số liệu do Bộ Công thương công bố, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước. 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 01 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu, Trong đó, có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu với kim ngạch ước đạt 102,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,6%; thép các loại tăng gần 25%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 12,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 18,9%; vải các loại tăng 5,4%…
“Sự tăng trưởng mạnh của nhóm hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao”, Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,15 tỷ USD. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 29,7%; rau quả tăng 15,1%.
Nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc
Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 171,2 tỷ USD.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 41,57 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Kế tiếp đến nước tra nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 6,1%; ASEAN ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16,9%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 6,9%; EU ước đạt 5 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,6%.
Hiện nay, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc – Việt Nam đã phát triển từ hình thức thương mại đơn giản lên mức độ hợp tác cao hơn với các chuỗi công nghiệp và các chuỗi cung ứng. Nhiều năm liền, Trung Quốc dẫn đầu là thị trường cung cấp hàng hóa nguyên liệu, máy móc, thiết bị, hóa chất và sản phẩm hóa chất… Mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc là xăng dầu, phân bón, sắt thép, hoá chẩt, phụ liệu giày dép, điện tử vi tính và linh kiện, rau hoa quả, xe máy, ngô, sợi dệt đã xe, phụ liệu may mặc, lúa mỳ, động cơ đốt trong, phụ liệu thuốc lá, tàu thuyền, thiết bị, ôtô, nhôm, nguyên phụ liệu dược phẩm…cho Việt Nam.