Khi phim truyền hình thế giới phát triển những đề tài mới lạ thì phim truyền hình Việt vẫn cứ luẩn quẩn chuyện gia đình, hận thù truyền kiếp.
Mới đây, 35 tập phim truyền hình Nữ luật sư phát sóng trên kênh SCTV14 hứa hẹn tạo nên màu sắc riêng. Phim dựa theo tiểu thuyết Lật án tử hình của tác giả Lại Văn Long, khai thác hai vụ án oan Vườn điều và Huỳnh Văn Nén từng nổi tiếng trong xã hội.
Chỉnh kịch bản vì quá dữ dội
Tuy nhiên khi chuyển thể thành phim, biên kịch Châu Thổ đã đặt tên phim là Nữ luật sư và câu chuyện cũng tập trung nhiều vào nghề luật sư cùng những sóng gió trong gia đình của một nữ luật sư giỏi.
Theo biên kịch Châu Thổ, kịch bản phim Nữ luật sư đã được chỉnh sửa nhiều lần, từng chào hàng với một số nhà sản xuất nhưng bị từ chối vì nội dung dữ dội quá.
Vì vậy, kịch bản được sửa lại nghiêng về tâm lý gia đình, tội phạm để an toàn hơn.
Nhìn trên màn ảnh nhỏ hiện nay, ngoài phim Kẻ sát nhân cô độc phần 2 do TFS sản xuất hay Nữ luật sư có khai thác tâm lý tội phạm, còn lại các phim như Mình yêu nhau, bình yên thôi, Trạm cứu hộ trái tim, Bóng của thị thành, Ván cờ danh vọng… đều có đề tài về gia đình.
Sắp tới đây, phim Trăm năm hạnh phúc được không?, Tình yêu bất tử lên sóng hay các phim trên trường quay như Duyên, Màu của tình yêu, Định giá tình yêu… cũng khai thác về đề tài gia đình.
Cần cởi bỏ rào cản
Biên kịch Quách Thùy Nhung, viết kịch bản phim Trăm năm hạnh phúc được không?, cho biết: “Nội dung phim có thể xoay quanh đề tài gia đình, hôn nhân, tình yêu… nhưng cách kể chuyện thu hút và không bị đoán trước sẽ vẫn thu hút khán giả”.
Nói về cái khó khi viết kịch bản phim hiện nay, Thùy Nhung cho rằng: “Các nhà biên kịch phải tự gò mình về bối cảnh, nội dung để phù hợp với điều kiện sản xuất khi kinh tế đang khó khăn. Bối cảnh không còn miễn phí hoặc được tài trợ như xưa”.
Chị nhấn mạnh: “Nhưng cái khó khăn lớn nhất là cách kể chuyện phim sao cho hấp dẫn. Khán giả hiện giờ tiếp cận với mạng xã hội biết nhiều người sáng tạo nội dung nên họ rất tinh tế, nhạy bén và thông minh khi xem phim”.
Thùy Nhung cũng khẳng định phim Việt có nhiều ý tưởng phim hay, thậm chí độc đáo, nhưng để hiện thực hóa kịch bản thành phim lại vướng vào chi phí sản xuất.
Chị ví dụ: “Dòng phim xưa của Việt Nam được khán giả thích. Nếu đầu tư sản xuất chỉn chu “tới bến” thì sẽ thành dòng phim độc đáo và đặc sắc. Hay như phim hình sự và hành động, nếu cởi bỏ rào cản, đầu tư đúng mực thì với kỹ thuật hiện đại hiện giờ sẽ tạo ra những tác phẩm hấp dẫn, thu hút không khác gì phim nước người”.
Tuy nhiên, không chỉ khó khăn về tài chính, một số biên kịch cho biết lý do kéo phim truyền hình Việt giậm chân tại chỗ bởi đội ngũ biên tập nhà đài.
Một biên kịch nói: “Biên tập phải giỏi hơn biên kịch, có như vậy mới hiểu và đồng ý chí để có đường hướng phát triển kịch bản tốt nhất.
Nhưng hiện đang có suy nghĩ là làm biên tập có thể bỏ hết cấu tứ câu chuyện do biên kịch đưa ra.
Nhưng khi thay thế tình huống thì phim lại bế tắc do biên tập không đủ giỏi để nhìn ra được chiều sâu nội dung. Điều này gây trở ngại và khiến nhiều bộ phim có nội dung không sâu sắc và hợp lý”. Đây là vòng luẩn quẩn từ nhiều năm tới giờ chưa khắc phục được.