Cục Hàng không Việt Nam đang kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong ngành hàng không.
Quyết định này được đưa ra sau những lo ngại về việc giá vé máy bay cao vô lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trong nước.
Nhưng kỳ vọng từ phía người tiêu dùng không dừng lại ở đó. Họ muốn đợt kiểm tra này cần đi đến vấn đề cuối cùng: làm gì để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo rằng người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ hàng không với mức giá hợp lý.
Từ thực tế dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, vé máy bay đắt đỏ đã cản bước mong muốn “dịch chuyển”, “đi xả hơi” của nhiều gia đình.
Nhẩm tính một cách đơn giản, để có thể đi du lịch dịp nghỉ lễ bằng đường hàng không, một gia đình ở TP.HCM với bốn thành viên sẽ phải mất khoảng 20 triệu đồng chỉ riêng cho tiền di chuyển đến một địa phương ở miền Trung.
Không chỉ cao điểm mà ngày thường giá vé nội địa cũng rất cao, thậm chí cao hơn so với giá vé máy bay đi quốc tế. Dễ dàng liệt kê những đường bay mà giá vé lên đến 6 – 8 triệu đồng/khứ hồi, ngang với tour trọn gói đi du lịch ở một số nước trong khu vực.
Câu chuyện này kéo dài khiến những người làm du lịch như ngồi trên lửa trước mỗi mùa cao điểm du lịch thời gian qua.
Thế nhưng theo báo cáo của Cục Hàng không, việc tăng giá là nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân. Từ khan hiếm máy bay cho đến việc vé máy bay đang “gánh” nhiều loại phí, giá nguyên liệu cao cho đến chênh lệch tỉ giá, biến động đội bay…
Từ những lý giải này, người tiêu dùng càng trông đợi một kết quả kiểm tra minh bạch hơn trong cơ chế tính giá vé máy bay, không thể phụ thuộc vào giá trần để “lách luật”.
Vé máy bay tăng cao là do cung – cầu, nhưng ngay cả khi cầu giảm mà giá vé vẫn chưa hạ nhiệt. Đó là điều khó chấp nhận được.
Quyết định thanh tra giá vé máy bay là một bước quan trọng nhằm bảo đảm sự công bằng và minh bạch trong ngành hàng không. Và để đợt kiểm tra này không chỉ là sự xoa dịu dư luận, công chúng cần một bảng báo cáo phân tích rõ ràng, đầy đủ và cả giải pháp đề xuất như giảm thuế, phí…
Người tiêu dùng mong ước có mức giá hợp lý hơn khi sử dụng dịch vụ hàng không, đồng thời giảm bớt áp lực tài chính khi lựa chọn phương thức đi lại này.
Đặc biệt, trong bối cảnh hậu quả của đại dịch COVID-19, việc kiểm soát giá vé máy bay là một biện pháp hiệu quả để kích thích ngành du lịch trong nước phục hồi, khuyến khích đi lại, làm ăn, trao đổi giao thương…
Thực hiện thanh tra giá vé máy bay là một phần của việc quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trong ngành hàng không, giúp ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thị trường và đảm bảo cho người dân được hưởng mức giá công bằng. Điều này chỉ đạt được khi cơ quan chức năng làm thật và làm một cách công tâm.