Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính tham gia chiến dịch lịch sử năm ấy nay đều tuổi đã cao. Hằng năm dịp này, trong họ lại trào dâng những cảm xúc tự hào về tuổi trẻ, một thời hoa lửa đã sống và chiến đấu hết mình cho độc lập tự do của dân tộc. CCB Hoành Thanh Minh 93 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, là một trong số đó.
Ở tuổi 93, dù đôi mắt đã mờ, đôi chân đã chậm, nhưng ký ức về 56 ngày đêm cùng đồng đội “nếm mật nằm gai” chiến đấu tại Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm vẫn hằn sâu trong tâm trí CCB Hoàng Thanh Minh (tổ 4A, khu 7A, phường Hồng Hải, TP Hạ Long). Cụ Minh kể: Thời điểm đó quân Pháp đã bị đánh lừa về khả năng huy động và sử dụng lực lượng cùng khí tài lớn đến vậy của Việt Minh. Đặc biệt là việc vận chuyển những khẩu pháo nặng 2 đến 3 tấn, qua những địa hình phức tạp, hiểm trở vào chiến trường. Hay như việc khoét núi mở hàng trăm km hầm hào bằng xẻng. Khi ấy tôi 23 tuổi, là Đại đội trưởng Đại đội 32, Trung đoàn 45, Đại đoàn Công pháo 351. Quá trình di chuyển kéo pháo phải vượt qua các địa hình phức tạp với đồi núi cao, dốc lớn, chặng đường quanh co, khúc khuỷu, băng qua nhiều con sông, suối. Kéo qua địa hình hiểm trở nên giày dép các chiến sĩ đều bị hư hỏng, nhiều chiến sĩ đi chân đất, chân tay bị thương, máu hòa vào bùn, quần áo ướt đẫm…
Khi được hỏi điều gì đã giúp những người lính và dân công thời ấy vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ dường như là không tưởng ấy, đôi mắt người CCB già ánh lên niềm tự hào. Cụ chia sẻ: Lúc đó thì chỉ có lòng quyết tâm cao độ từ mỗi cá nhân, tinh thần đoàn kết một lòng mới giúp thực hiện được nhiệm vụ vận chuyển an toàn vũ khí vào chiến trường. Sau đó còn phải đào hầm hào để cơ động pháo, vận chuyển thương binh, cơ động lực lượng lớn bộ đội, giúp bộ binh tiếp cận địch. Chúng tôi anh em mỗi người chỉ có 1 cái xẻng to hơn bàn tay đeo sau lưng, đào hào suốt ngày đêm cùng các lực lượng khác. Tôi nhớ là chúng ta đã đào tới 400km hào, bằng khoảng cách từ Hà Nội đến Điên Biên theo đường chim bay. Đấy là sức mạnh của quân và dân ta.
Chiến thắng Him Lam oanh liệt đã giáng đòn mạnh vào sự tự tin của thực dân Pháp về một “cánh cửa thép” của Tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”, làm tiền đề cho đại thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Bên cạnh chiến thuật độc đáo, linh hoạt, dựa trên đường lối chiến tranh nhân dân, việc làm tốt công tác tư tưởng, phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, dân công, là nét nổi bật của cả Chiến dịch. Phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” được từng người lính thấm nhuần.
“Mất Him Lam là Pháp thua. Chính quân địch đã nhận định như vậy nên chúng ta không còn cách nào khác phải thắng ngay từ trận đầu làm bàn đạp tấn công. Tôi vẫn còn nhớ rõ khoảng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh được lệnh tập trung hỏa lực vào đồi Him Lam phủ đầu quân Pháp, hỗ trợ cho bộ binh tự tin tiến lên làm chủ cứ điểm. Xuyên suốt Chiến dịch, tôi và anh em pháo binh luôn hạ quyết tâm cố gắng bắn trúng mục tiêu, bảo quản pháo an toàn để tiếp tục đánh thắng những trận khác” – CCB Hoành Thanh Minh kể.
Sau này, khi nhìn lại Chiến dịch Điện Biên Phủ với con mắt khách quan, chính người Pháp phải thừa nhận đây là “một kỳ tích về nghệ thuật hậu cần trong chiến tranh”. 70 năm đã trôi qua, người lính pháo binh ngày nào vẫn thuộc nằm lòng, chậm rãi đọc từng câu trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Nhà thơ Tố Hữu trong sự xúc động nghẹn ngào: Nghe trưa nay tháng năm, mùng bảy/ Trên đầu bay thác lửa hờn căm/ Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ/ Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/ Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng/ Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Những người như CCB Hoàng Thanh Minh – một thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên ở Vùng mỏ, đã sống và chiến đấu với lý tưởng cao đẹp như thế, góp phần làm nên những giai điệu trong bản hùng ca chung về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, về người Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.