Với nhiều nỗ lực, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, vướng mắc, do vậy để hoàn thành mục tiêu đề ra, các đơn vị đang tập trung, quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm công tác (tính từ 1/10/2023 đến 31/3/2024), các cơ quan THADS trong tỉnh đã giải quyết xong 3.150 việc và 210,55 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60,01% về việc và 9,77% về tiền so với số việc và tiền có điều kiện thi hành. Trong đó, đã giải quyết xong 2.915 việc/4.279 việc có điều kiện thi hành (tương ứng 79,4 tỷ đồng) đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước; 18 việc/188 việc có điều kiện giải quyết (tương ứng với trên 86 tỷ đồng) liên quan các vụ việc tín dụng, ngân hàng; đã thi hành xong 29 việc/69 việc có điều kiện thi hành và giải quyết thi hành xong số tiền là 30,2 tỷ đồng liên quan thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…
Theo đánh giá, kết quả thi hành án dân sự về tiền còn thấp; việc tổ chức thi hành án các vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng… hiệu quả còn chưa cao. Các vụ việc tồn năm 2023 chuyển sang năm 2024 phần lớn là những vụ việc khó thi hành, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024. Một số vụ việc có giá trị phải thi hành lớn mặc dù đã giảm giá tài sản nhiều lần, nhưng vẫn chưa bán được tài sản. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi hành án dân sự. Số lượng vụ việc phải tổ chức thi hành án ngày càng tăng, số việc thụ lý mới 6 tháng đầu năm 2024 là 4.282 việc, tăng 663 việc (18,31%) so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người phải thi hành án không nghiêm, còn có biểu hiện chây ỳ, lẩn trốn, thậm chí chống đối không tự nguyện thi hành án. Việc xử lý hành chính, kể cả xử lý về hình sự chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp cố tình không chấp hành việc thi hành án. Hiện nay thể chế pháp luật về THADS còn nhiều bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế cần được sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định về cưỡng chế thi hành án.
Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, thời gian tới, các đơn vị thi hành án dân sự toàn tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, chủ động triển khai các mặt công tác năm, thực hiện việc tự kiểm tra toàn diện các mặt công tác. Tăng cường hướng về cơ sở, phân công lãnh đạo Cục trực tiếp phụ trách các địa bàn, chỉ đạo thi hành án các vụ việc thi hành án có số tiền phải thi hành lớn, án trọng điểm; tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ việc thi hành liên quan đến tín dụng, Ngân hàng, các vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa thi hành xong… và các địa bàn có nhiều vụ việc thi hành án lớn, phức tạp.
Tổ công tác do Cục trưởng làm trưởng đoàn tiếp tục đi làm việc với các Chi cục THADS trong tỉnh, để nghe báo cáo kết quả đã đạt được và khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, cũng như phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, để đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, từ đó có những chỉ đạo kịp thời các mặt công tác của từng đơn vị.
Cùng với đó, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp, chỉ đạo các phòng, ban liên quan tại địa phương phối hợp tốt với cơ quan THADS trong công tác THADS, nhất là trong việc xác minh điều kiện thi hành án và cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng. Kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp chỉ đạo các phòng, ban liên quan tại địa phương phối hợp tốt với cơ quan THADS trong việc thi hành các vụ việc có điều kiện, số tiền phải thi hành án ít, nhưng người phải thi hành án có tài sản để thi hành án. Đối với các vụ việc này cần chủ động xác minh, phân loại từng việc, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, để tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp chỉ đạo phối hợp tổ chức thi hành có hiệu quả.
Các đơn vị tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án chây ỳ, trốn tránh không tự nguyện thi hành án. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra. Cục chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vụ việc thi hành án hành chính. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành công việc được giao. Cục cũng đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về THADS, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động nghiệp vụ.