Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Vốn FDI tiếp tục tăng cao
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, tại khu vực châu Á, dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp, khi các nhà đầu tư đặt cược vào các tài sản và lĩnh vực mới của nền kinh tế.
Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,1% vào năm 2023 và phấn đấu đạt mức 6,0 – 6,5% vào năm 2024, với những chính sách giảm lãi suất đồng thời cân bằng giữa áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Bước sang năm 2024, riêng 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỉ USD, chiếm 78,5% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.
Nhờ sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn sang Việt Nam, lĩnh vực hậu cần và công nghiệp ở các thành phố lớn và các tỉnh lân cận được hưởng lợi. Tại TPHCM, lĩnh vực hậu cần tăng trưởng tích cực, dòng vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và phát triển nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Ở lĩnh vực bán lẻ, nhu cầu của người tiêu dùng trong việc trải nghiệm bán lẻ đã thúc đẩy các nhà phát triển nâng cấp không gian trung tâm thương mại. Những dự án cao cấp và dự án được quản lý tốt tiếp tục là thu hút sự quan tâm của thị trường.
Duy trì vị thế điểm đến của dòng FDI trong khu vực
Năm 2024, bất động sản công nghiệp được đánh giá sẽ tiếp tục là phân khúc tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn FDI hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp liên tục cải thiện. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Đánh giá về triển vọng thị trường công nghiệp Việt Nam, bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield – nhận định: “Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo và được đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành này…”.
Theo bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội, để duy trì vị thế là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện hạ tầng về đường sá kết nối, điện lưới, khu công nghiệp đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng lao động và điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn điện tử, chip…
“Việt Nam bảo đảm cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất trong các ngành này như điện… tất cả đều được đầu tư đồng bộ. Gần đây nhất, Quy hoạch điện VIII cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững. Song song với đó, chúng ta tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, để tạo môi trường, thể chế vượt trội, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam” – Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.