Vô số hòn đảo đẹp, cảnh quan hoang sơ, bãi cát trắng cùng sự đa dạng sinh học hiếm có… là yếu tố hình thành nên các tour du lịch khác biệt, độc đáo ở Bái Tử Long trong không gian liên kết với Vịnh Hạ Long. Đây là các sản phẩm mới đầy hứa hẹn nhưng cũng còn nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kề bên du lịch Vịnh Hạ Long vốn đang phát triển mạnh mẽ, Vịnh Bái Tử Long trải dài qua Cẩm Phả, Vân Đồn… có nhiều cảnh đẹp, tuyến điểm hấp dẫn không kém. Vùng biển đảo nối liền Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long là nơi còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét tinh khôi, cảnh quan, thiên nhiên hoang sơ.
Là một vùng biển đảo rộng lớn, cảnh quan các đảo đất, hệ động thực vật đa dạng, khác biệt với Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long còn có nhiều hòn đảo xinh đẹp, với bãi cát dài và trắng là điểm đến thu hút đông đảo du khách khám phá. Đặc biệt, sự đa dạng, phong phú và cảnh đẹp hệ sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long, được ASEAN công nhận là Vườn di sản ASEAN thứ 38 ở khu vực Đông Nam Á.
Với nguồn tài nguyên đa dạng, độc đáo này, Bái Tử Long cần được khai thác, phục vụ du lịch. Trước đó, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn tới 2030, Bái Tử Long cũng đã được quan tâm tới vấn đề này. Tiếp đó, tới tháng 12/2020, để cụ thể hóa tiềm năng này, giảm tải cho Vịnh Hạ Long, Đề án phát triển sản phẩm du lịch vùng biển đảo Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long gắn với Vân Đồn, Cô Tô… đã được tỉnh ban hành.
Các sản phẩm được hoạch định theo hướng độc đáo, khác biệt, xác định không gian chính là Bái Tử Long với khu vực Vân Đồn và tuyến đảo. Sản phẩm cụ thể là tham quan thắng cảnh, sinh thái, tham quan bằng tàu du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu đa dạng sinh học…
Như vậy có thể dễ thấy, từ lâu định hướng, xu hướng phát triển du lịch, mở rộng không gia du lịch từ Vịnh Hạ Long sang Bái Tử Long kết nối biển đảo Cẩm Phả xuống Vân Đồn đã được quan tâm. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng sản phẩm còn chậm, thiếu tầm nhìn tổng thể chưa có sản phẩm liên kết, chỉ khai thác sản phẩm đơn lẻ.
Vì thế, trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch năm 2024 của UBND tỉnh, các sản phẩm du lịch cụ thể, phát huy tiềm năng, tính liên kết của các khu vực này đã được đề xuất, triển khai. Cụ thể, đó là các sản phẩm tàu thủy tham quan, lưu trú Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long và các tuyến tham quan lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long khu vực Cẩm Phả – Vân Đồn. Có thể nói, các sản phẩm này đã cụ thể hóa các đề án, định hướng trên, đặt ra nhiệm vụ, sản phẩm cụ thể khai thác tiềm năng vốn “ngủ quên” của Bái Tử Long.
Hiện thực hóa sản phẩm, trước đó, các cơ quan chức năng TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn đã tiến hành khảo sát, xây dựng phương án tuyến điểm và báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát các tuyến điểm, các điểm trong hệ thống 56 đảo, hòn đảo ở Cẩm Phả như: Đảo Ông Cụ, đảo Khỉ, đảo Đá Bàn, đảo Ba Hòn; khảo sát luồng Cái Đé, Cái Lim, đảo Phất Cờ, Tây Hoi… thuộc khu vực Vân Đồn.
“Có thể nói, Bái Tử Long trải rộng qua Cẩm Phả – Vân Đồn là miền đất hứa, với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp nguyên sơ và nhiều giá trị độc đáo khác biệt là nguyên liệu lý tưởng cho các sản phẩm “đắt khách”. Đó cũng là điều mà các đơn vị, doanh nghiệp mong mỏi, hướng tới để chung tay làm mới mình, đồng thời tạo nguồn thu, thương hiệu cho du lịch Quảng Ninh”‘ – ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh tham gia đoàn khảo sát, chia sẻ.
Ngoài các tuyến điểm du lịch quen thuộc, định vị “thương hiệu” như: Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen… thì nhiều tuyến điểm đẹp, giàu tiềm năng trên Vịnh Bái Tử Long ở các đảo, hòn đảo Cẩm Phả hay vườn Quốc gia Bái Tử Long như rừng ngập mặn, hang Cái Đé, vụng trà Thần, bãi tắm… rất hứa hẹn. Và thực tế là thời gian qua, có không ít sản phẩm du lịch mở rộng, khai phá Bái Tử Long giành được thành công và sự yêu thích lớn của du khách quốc tế.
Tuy nhiên, để có thể khai phá nhiều tuyến điểm giàu tiềm năng thì công việc còn khá gian nan. Với các tuyến điểm mới cần quan tâm khảo sát đầu tư tuyến luồng, cơ sở hạ tầng đường sá, bến bãi; hạ tầng, dịch vụ cơ bản với một số điểm có thể tiếp được. Đặc biệt việc khai thác tiềm năng độc đáo của Vườn Quốc gia Bái Tử Long cần quan tâm khảo sát kỹ lưỡng, đầu tư về hạ tầng, luồng tuyến, tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp.