Triển khai từ năm 2014, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp được ngành Hải quan xác định là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Trải qua 10 năm, nhiệm vụ này đã trở thành nhận thức thường trực của từng cán bộ, công chức trong ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan Quảng Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái nói riêng và đã đi vào thực chất, từ mối quan hệ “đối tượng quản lý” chuyển sang mối quan hệ “đối tác”.
Với mục tiêu quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ năm 2014 đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã tiếp nhận và giải đáp hơn 2.000 vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp thông qua các hội nghị tham vấn, đối thoại với doanh nghiệp và thông qua điện thoại, trao đổi trực tiếp hoặc qua email…
Chi cục chú trọng công tác cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa hiệu quả các kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp từ cấp Tổng cục tới cấp Cục và Chi cục, với trên 30 hội nghị đối thoại về nhiều chủ đề thiết thực, như: Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ trong và ngoài ngành Than; hội nghị thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đường bộ tỉnh Quảng Ninh; hội nghị trao đổi với các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, FDI; hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); hội nghị gặp mặt, trao đổi, hướng dẫn cư dân biên giới….
Cùng với đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái chủ động tổ chức các đoàn công tác đi tiếp xúc, gặp gỡ tại trụ sở các doanh nghiệp để trao đổi thông tin, hướng dẫn, nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác các vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm, mong muốn đổi mới, phản ánh, đề xuất, kiến nghị… Hoạt động này đã góp phần tạo nên bước chuyển mới trong tăng cường phối hợp, giám sát và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Để quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, Chi cục thường xuyên kiện toàn các tổ công tác hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thủ tục hải quan và đồng hành cùng doanh nghiệp; lập danh bạ các doanh nghiệp có hoạt động XNK qua địa bàn, phân chia các nhóm doanh nghiệp theo mặt hàng, loại hình để phân công công chức phụ trách, thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp theo ngành hàng, biên soạn tài liệu và gửi thông tin nhanh chóng nhất đến cho doanh nghiệp… Từ đó chủ động tiếp cận, hướng dẫn, thông tin kịp thời các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật, nhằm hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp nâng cao mức độ thực thi pháp luật, hạn chế thiếu sót, phát triển hoạt động kinh doanh; tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương những giải pháp thiết thực, hiệu quả để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại qua địa bàn.
Chi cục chú trọng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, cung cấp, minh bạch thông tin thuộc phạm vi quản lý của ngành, cơ quan để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng, nhất là những chính sách mới, các quy định, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành, tỉnh và của Cục Hải quan tỉnh tới người dân và doanh nghiệp. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ chính sách pháp luật, chủ động hợp tác, hỗ trợ cơ quan Hải quan trong thực thi nhiệm vụ.
Để nâng cao chất lượng phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái không ngừng nâng cao chất lượng điều hành, quản lý thông qua sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trên “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan trong quá trình giải quyết thủ tục” nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động XNK qua địa bàn với tỷ lệ doanh nghiệp tham gia đánh giá đạt 96%, doanh nghiệp đánh giá về chất lượng phục vụ ở mức “Rất hài lòng” và “Hài lòng” với những cải cách đổi mới trong chất lượng quản lý, điều hành của đơn vị.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái tích cực tham gia hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở (CDCI) của Cục Hải quan tỉnh, tiếp cận sâu với những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để nhận diện những điểm yếu, điểm hạn chế, cũng như những kỳ vọng của doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp khắc phục, từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lan tỏa được tinh thần, những hành động thiết thực, cụ thể của Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái và Cục Hải quan tỉnh trong triển khai DDCI, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cũng tăng cường công tác trao đổi, gặp mặt với Hải quan Đông Hưng (Trung Quốc) để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, mô hình Hải quan thông minh tiến tới biên giới cửa khẩu thông minh, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý hàng hóa XNK, phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại…góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, thúc đẩy thông thương biên giới, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC tại cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc).
Đây cũng là điểm sáng của Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng thực hiện thủ tục hải quan qua địa bàn, khi các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách mới trong hoạt động XNK hàng hoá với Trung Quốc được kịp thời thông tin tới doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Xác định công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái quyết tâm đưa mối quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp đi vào thực chất, dựa trên thế mạnh, năng lực, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp và các bên có liên quan; góp phần cùng Cục Hải quan tỉnh và toàn ngành Hải quan thực hiện Quyết định 628/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030”. Mục tiêu cốt lõi để thực hiện chiến lược là “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”.