Đường mỏ là một trong những hạ tầng kỹ thuật đặc biệt quan trọng đối với các đơn vị khối khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Chất lượng đường mỏ, chủ yếu là đường mỏ lộ thiên sẽ liên quan trực tiếp đến năng suất thiết bị vận tải, đến chi phí sản xuất và đặc biệt là công tác an toàn lao động. Nhận định rõ vai trò của đường mỏ trong mô hình công nghệ khai thác mỏ lộ thiên, những năm qua, TKV đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo, nâng cao chất lượng đường mỏ, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Theo loại hình công nghệ khai thác than lộ thiên, khối lượng bóc xúc cần vận tải hàng năm của các mỏ là từ 15 đến 55 triệu m3 đất đá và từ 1 đến 4,5 triệu tấn than với cung độ vận tải từ 3 đến 6,5 km. Riêng các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả, chủng loại ô tô có tải trọng từ 55 đến 96 tấn chiếm trên 78%. Số lượng xe có tải trọng lớn trên 90 tấn có xu thế gia tăng khi các mỏ khai thác xuống sâu. Về tổng thể, chi phí vận tải của các mỏ chiếm khoảng 50 đến 75% giá thành bóc 1m3 đất đá. Vì vậy, có thể nói, vận tải là một trong những khâu công nghệ chính của quá trình sản xuất than ở các mỏ lộ thiên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn – TKV, giá thành vận tải được cấu thành từ các loại chi phí, gồm: nhiên liệu, vật liệu, khấu hao. Trong đó, chi phí nhiên liệu và vật liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất – khoảng 60 đến 65% giá thành vận tải. Mức tiêu hao nhiên liệu, vật liệu phụ thuộc chủ yếu vào cung độ và chiều cao nâng tải, thông số hình học tuyến đường, đặc biệt là chất lượng mặt đường.
Mặt đường là bộ phận trực tiếp chịu ảnh hưởng của xe tải trọng nặng, của các tác động lý hóa gây ra bởi các điều kiện thời tiết tự nhiên như mưa, nắng, độ ẩm,… Sự xuống cấp của mặt đường phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố trên và sẽ xuống cấp nhanh chóng khi các yếu tố này gia tăng một cách cực đoan, đó là: tải trọng của xe ô tô trên 90 tấn, số lượt xe/ngày đêm gia tăng, mùa mưa hay mùa nắng kéo dài hơn thường lệ.
Anh Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Lộ thiên, Viện Khoa học & Công nghệ Mỏ – Vinacomin phân tích: “Trong thực tế quá trình thi công đường mỏ, cỡ hạt vật liệu không đồng đều nên chất lượng mặt đường thường xuyên bị xuống cấp khi trời mưa. Cục bộ nhiều vị trí xảy ra hiện tượng lầy lội, lồi lõm và trơn trượt. Đặc biệt sau những trận mưa lớn, các thành phần bột và cỡ hạt nhỏ của lớp cấp phối bị rửa trôi làm lộ ra các cục đá lớn, gồ ghề, gây khó khăn cho công tác vận tải và hư hỏng lốp xe. Bên cạnh đó, sức cản lăn cũng là yếu tố chính khiến hiệu suất khai thác xe giảm. Khi chất lượng mặt đường xấu cũng đồng nghĩa sức cản lăn tăng, dẫn đến vận tốc xe giảm. Do vậy, đường xuống cấp sẽ khiến giảm tốc độ xe, giảm năng suất vận tải, tiêu hao săm lốp, nhiên liệu lớn, giá thành vận tải cao”.
Nhận định rõ vai trò của đường mỏ đối với hoạt động sản xuất, TKV đã chỉ đạo các đơn vị khai thác than lộ thiên đặc biệt quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp đường mỏ. Những năm gần đây, chất lượng đường mỏ về cơ bản đang đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Với mục tiêu giảm giá thành khâu vận tải, từ năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã giao Viện khoa học công nghệ mỏ – Vinacomin phối hợp với các đơn vị trong TKV triển khai lập “Phương án cải tạo nâng cao chất lượng đường tại mỏ than Cao Sơn” và thi công thử nghiệm đường ngoài mỏ trên tuyến đường vận tải của TKV đoạn qua khai tường lộ thiên Khe Tam mỏ Dương Huy.
“Sau một thời gian áp dụng thử nghiệm cải tạo đường mỏ theo giải pháp của Viện Khoa học & Công nghệ mỏ – Vinacomin, chất lượng mặt đường trong mỏ Than Cao Sơn đã cải thiện đáng kể. Các vị trí cải tạo đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các tuyến đường trong phương án đã được thực hiện thi công bằng cấp phối đã răm, tưới phụ gia, tạo được độ liên kết tốt hơn và giảm được độ lún, giảm tình trạng phát tán bụi trong quá trình xe di chuyển” – anh Tạ Văn Toản, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Than Cao Sơn cho biết.
Hiện nay, chi phí vận tải bằng ô tô trên các mỏ than lộ thiên chiếm trên 60% giá thành khai thác một tấn than. Năng suất và chi phí vận tải phụ thuộc chủ yếu vào cung độ vận tải, chất lượng, độ dốc đường vận tải, chiều cao nâng tải và tải trọng xe. Với mỗi chủng loại ô tô, chi phí nguyên, nhiên vật liệu phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng mặt đường. Đường tốt, đồng nghĩa với mức độ hao mòn phương tiện máy móc, thiết bị thấp, chi phí sản xuất cũng được tiết kiệm. Ngược lại, đường chất lượng kém, nhanh xuống cấp sẽ tạo áp lực không nhỏ lên phương tiện vận tải, nhất là những dòng xe siêu trường, siêu trọng có giá trị đầu tư lớn.
Những năm tới, các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh tiếp tục khai thác xuống sâu, khối lượng vận tải đất đá hàng năm ước từ 30 – 55 triệu m3, và từ 1 – 4,5 triệu tấn than nguyên khai, chiều cao nâng tải từ 450÷600 m. Trong khi đó, giá thành nguyên nhiên liệu như xăng dầu, điện năng ngày càng tăng. Để đảm bảo yêu cầu sản xuất đồng thời tiết giảm chi phí, nâng cao công tác an toàn và bảo vệ môi trường, TKV sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đường vận tải trong và ngoài khai trường mỏ; đồng thời xây dựng quy trình thiết kế, thi công, bảo trì phù hợp nhằm góp phần tăng năng suất, giảm giá thành khâu vận tải.