Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD. Ngoài nhiệm vụ giữ vững diện tích gieo trồng lúa là 7,1 triệu ha, sản lượng lúa 43 triệu tấn, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thì việc tập trung khai thác các thị trường mới cho xuất khẩu gạo là yêu cầu cần thiết, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng gay gắt hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn, trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình 1,15 triệu tấn; nhóm nếp 0,75 triệu tấn.
Tín hiệu tích cực từ các thị trường mới
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng cho biết, ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore trong giai đoạn gần đây, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.
Điểm đáng chú ý là bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, hai nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%. Đây là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore với 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ 6,96% và cao hơn Thái Lan 8,28%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hết quý I/2024, Singapore là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong bối cảnh các thị trường truyền thống lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia… đang nỗ lực tăng sản lượng sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu từ các quốc gia khác, thì nỗ lực đa dạng chủng loại gạo vào Singapore là một tín hiệu đáng mừng trong khâu mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ngoài các quốc gia mới trong khu vực châu Á, thì châu Âu cũng là thị trường đang được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tập trung khai thác.
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết: Hai năm qua, do tác động của hiện tượng El Nino, cộng với tốc độ đô thị hóa sâu rộng khiến diện tích trồng lúa giảm nên sản lượng lúa của Trung Quốc cũng giảm rõ rệt. Về nhu cầu tiêu thụ, dự báo giai đoạn 2022- 2031, tiêu thụ gạo của Trung Quốc duy trì tăng trưởng liên tục.
Về thương mại gạo, trước đây Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu nhưng từ sau năm 2001, mức nhập khẩu gạo luôn ghi nhận cao hơn xuất khẩu. Năm 2024, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh lương thực và dự kiến sẽ tăng nhập khẩu gạo từ các quốc gia để bù đắp thiếu hụt lượng gạo trong nước, trong đó có xu hướng tăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Hiện, nhu cầu tiêu thụ gạo của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 150 triệu tấn/năm.
Nhiều năm qua, Trung Quốc nhập khẩu gạo chủ yếu từ Ấn Độ, cho nên nếu trong năm 2024, Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh hạn chế xuất khẩu thì sẽ thêm cơ hội cho Việt Nam tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc thì gạo thơm, gạo cao cấp đang ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh quảng bá để tăng thị phần. Tính riêng ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc đạt 81.648 tấn, trị giá 48.186.036 USD.
Ngoài các quốc gia mới trong khu vực châu Á, thì châu Âu cũng là thị trường đang được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tập trung khai thác. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết: Tổng sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của công ty tăng 135% so với năm 2022, trong đó xuất khẩu vào châu Âu đạt 20.000 tấn, tăng 125%. Sự tăng trưởng này nằm trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu của công ty bên cạnh các thị trường truyền thống. Đồng thời cũng là nhờ chất lượng hạt gạo liên tục được giữ vững và nâng cao khi Lộc Trời là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam và thế giới đạt chứng nhận canh tác lúa gạo bền vững SRP 100 lần thứ 4 liên tục từ năm 2020 đến nay.
Đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại
Theo Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn, hiện công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Năm 2023, Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới tổ chức được hai chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Hồng Công (Trung Quốc), ít hơn rất nhiều so với tần suất các ngành hàng khác. Do vậy, tần suất và quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, hiệu quả kỳ vọng từ các thương nhân, trong khi đây là công tác quan trọng, cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đều đặn, để kịp thời hỗ trợ thương nhân đáp ứng tốt tín hiệu thị trường, mở rộng thị phần tại các khu vực tiềm năng.
Để khắc phục tình trạng này, từ đầu năm 2024, Bộ Công thương đã phối hợp các ngành chức năng tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại gạo giữa Việt Nam với các đối tác. Cụ thể, đàm phán, trao đổi song phương với Indonesia, Malaysia về việc xem xét tiến tới ký bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.
Với thị trường Philippines, Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Trong giai đoạn 2024-2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hằng năm lên tới 1,5-2,0 triệu tấn gạo trắng, đồng thời thống nhất triển khai một số biện pháp trao đổi thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo hai nước.
“Đối với các thị trường mới, Bộ Công thương đã ký với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ. Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mông Cổ trong thời gian tới. Riêng thị trường tiềm năng Trung Quốc, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang Trung Quốc hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc tập trung khai thác các thị trường ngách cũng là một trong những giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal thông tin, Việt Nam đã trao cho phía Senegal dự thảo bản ghi nhớ về thương mại gạo và đang chờ phía Senegal phản hồi. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn, kim ngạch 5,35 triệu USD, tăng 215% so với năm 2022. Trong ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Senegal 619 tấn gạo, kim ngạch đạt 440.380 USD.
Theo Trung tâm thống kê của Senegal, năm 2023, quốc gia Tây Phi này nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 500 triệu USD. Ngoài phục vụ thị trường trong nước hơn 18 triệu dân, Senegal còn nhập khẩu gạo để tái xuất sang các nước láng giềng. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác tốt hơn nữa thị trường có mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người cao nhất Tây Phi này, khoảng 117 kg/người/năm.