Kiểm sát giải quyết án dân sự là khâu công tác rất khó bởi tính chất phức tạp, đa dạng của các dạng quan hệ tranh chấp cũng như các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ đó. Xác định đây là khâu công tác trọng tâm, đột phá; thời gian qua, hai cấp kiểm sát tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, thì các tranh chấp trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình cũng diễn ra hết sức phức tạp, tăng cả về số lượng và phức tạp về tính chất vụ, việc. Các quan hệ dân sự tranh chấp tập trung chủ yếu là tranh chấp hợp đồng (vay tài sản, tín dụng, góp vốn, thuê tài sản, mua bán, tặng cho quyền sử dụng đất); tranh chấp trong quản lý, sử dụng đất giữa các hộ gia đình; tranh chấp chia di sản thừa kế; tranh chấp ly hôn và chia tài sản chung vợ, chồng khi ly hôn… Nhiều quan hệ giao dịch được xác lập trước đó nhiều năm nhưng đến nay mới phát sinh tranh chấp, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng hệ thống quy phạm pháp luật trong từng thời kỳ để giải quyết. Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về quyền hạn của viện kiểm sát còn có bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kiểm sát việc giải quyết.
Trước tình hình đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát giải quyết án dân sự, hai cấp kiểm sát tỉnh triển khai đồng bộ nhóm giải pháp trọng tâm; luôn xác định công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát án dân sự. BCS Đảng VKSND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, trong đó nổi bật như Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 15/3/2023 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự trong ngành kiểm sát Quảng Ninh; nghị quyết về công tác đào tạo cán bộ trẻ, tập huấn nghiệp vụ. Ngoài ra, trong kế hoạch công tác hàng năm, đều xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Từ đó, xây dựng kế hoạch đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc.
VKSND hai cấp còn thực hiện việc khoán các chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị với số lượng và chất lượng công việc đặt ra luôn cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội, của ngành giao để các đơn vị quyết tâm phấn đấu hoàn thành; đồng thời xác định rõ và nâng cao trách nhiệm đứng đầu của lãnh đạo VKSND hai cấp, của lãnh đạo phòng nghiệp vụ.
Nhận thức rõ về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình liên quan nhiều đến công tác quản lý nhà nước ở địa phương, do đó, để tạo cơ sở thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành, BCS Đảng VKSND tỉnh đã ký quy chế phối hợp với BCS Đảng UBND tỉnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác phối hợp giải quyết các vụ án dân sự phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, để khắc phục những hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, BCS Đảng VKSND tỉnh và BCS Đảng TAND tỉnh đã ký quy chế phối hợp, quy định VKSND phối hợp, tham gia cùng Tòa án thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ ngay từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ án. Qua đó VKS có thể chủ động nắm được nội dung, các tình tiết, tiến độ giải quyết vụ án để có quan điểm chính xác, kịp thời thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị.
Ngành còn đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều hình thức đào tạo, coi trọng công tác đào tạo tại chỗ, nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên. Quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong đẩy mạnh và đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, như: Tiếp tục thực hiện và khai thác các phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý án do VKSND tối cao, UBND tỉnh triển khai; tăng cường việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy phù hợp với tính chất từng vụ án, đặc biệt là ứng dụng trình chiếu tài liệu, chứng cứ để bảo vệ kháng nghị tại các phiên toà phúc thẩm; ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” của TANDTC và phối hợp với Công ty viễn thông Mobifone xây dựng hệ thống “phần trợ lý ảo” của VKSND tỉnh….
Với những giải pháp tích cực nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử các vụ việc dân sự đã góp phần vào việc làm rõ các nội dung của vụ án, qua đó đảm bảo cho việc quyết định giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được pháp luật bảo vệ. Quý I/2024, VKSND hai cấp tỉnh kiểm sát thụ lý giải quyết sơ thẩm 1.286 vụ, 192 việc dân sự, hôn nhân và gia đình; Tòa án đã giải quyết 487 vụ, 132 việc. VKSND tỉnh kiểm sát thụ lý phúc thẩm 63 vụ, Tòa án đã giải quyết xét xử 49 vụ, trong đó VKSND kháng nghị 7 vụ, cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị 6 vụ. Qua kiểm sát, ban hành 22 yêu cầu xác minh thu thập chứng cứ; 4 kháng nghị phúc thẩm; báo cáo đề nghị kháng nghị phúc thẩm 2 vụ; 8 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, 1 kiến nghị phòng ngừa.