Giá tăng gấp đôi chỉ trong nửa đầu năm khiến nhiều nông dân tiếc nuối vì bán khi giá thấp.
Kết phiên giao dịch ngày 24/4, giá cà phê nhân nội địa tiếp tục kéo dài chuỗi tăng lên 130.000 đồng một kg, vượt mọi dự báo của cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Mức này đã tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục tăng lên 4.225 USD một tấn – lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica quay đầu giảm nhưng vẫn trên 5.000 USD một tấn.
Giá cà phê nhân tăng chưa từng có trong lịch sử nhưng lượng hàng trong dân không còn nhiều. Do đó, hầu hết người trồng tiếc nuối vì bỏ mất cơ hội bán giá cao.
Sở hữu hơn 1 ha cà phê ở Đăk Lăk, ông Hoàng cho biết sau Tết khi giá lập đỉnh 90.000 đồng một kg ông đã bán toàn bộ 8 tấn trong kho, thu được 720 triệu đồng. “Tôi tưởng đã bán giá đỉnh nhưng không ngờ giá cà tăng không có điểm dừng. Chưa năm nào giá cà phê lại tăng kéo dài và đột biến như vậy”, ông Hoàng nói.
Hàng nghìn người dân ở các tỉnh Tây Nguyên cũng tiếc nuối khi đã xuất bán hết khi giá cà phê ở mức 75.000 đồng một kg. Bà Chi, ở Gia Lai cho biết nếu tính giá hiện tại nhà bà đã hụt mất hơn 300 triệu đồng khi bán 6 tấn cà ở giá 71.000 đồng.
“Hàng năm, giá cà chỉ tăng cao trước vụ và giảm khi vào vụ. Còn từ vụ năm ngoái tới nay, giá cà phê nhân thỉnh thoảng chỉ điều chỉnh nhẹ. Đây là tiền lệ chưa từng có trong 20 năm nhà tôi trồng cà phê”, bà Chi nói.
Đang hụt hơi và gồng lỗ khi giá cà phê tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến tiếp tục “khó chồng khó”. Nhiều doanh nghiệp đang ngưng mua hàng vì nguồn cung khan hiếm. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết hơn tuần nay mua không có hàng. Do đó, công suất nhà máy sản xuất của ông giảm 30-40%. Các hợp đồng xuất khẩu cũng ngưng vì giá tăng cao khiến đối tác chuyển hướng sang nhập hàng từ Ấn Độ và Indonesia. “Tình trạng này sẽ còn kéo dài cho tới khi cơn sốt giá cà phê hạ nhiệt và nguồn cung toàn cầu tăng cao”, ông Luận nói.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Phúc Sinh – Chủ tịch HĐQT Phan Minh Thông, cho biết công suất nhà máy sản xuất đang giảm 60-70% so với thông thường. Hiện, công ty cũng chỉ nhận các đơn hàng xuất khẩu theo đúng giá thị trường. Với các đơn hàng giá thấp, doanh nghiệp sẽ không ký mới.
Theo các doanh nghiệp giá cà phê có thể sẽ còn tăng cao đến hết năm nay và lên đỉnh mới 200.000-250.000 đồng một kg. Mức này các doanh nghiệp sản xuất cà phê nội địa trong nước sẽ tê liệt và doanh nghiệp FDI sẽ “một mình một chợ” và thao túng giá.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Hiệp hội Cà phê Ca c1ao Việt Nam cần có các dự báo kịp thời về xu hướng thị trường. Còn Bộ Công Thương cần vào cuộc để điều tiết giá, ổn định thị trường tránh trường hợp đầu cơ đẩy giá tăng cao.
Số liệu Hải quan cho thấy trong quý I, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 4 xuất khẩu quay đầu giảm do giá tăng cao và nguồn cung khan hiếm.
Giá cà phê liên tục leo thang, theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam, do nguồn cung khan hiếm. Hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu khiến sản lượng sụt giảm mạnh hơn nhiều dự báo. Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2022 – 2023 đã xong, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra. Ước tính còn thiếu khoảng 1,5-2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Trồng trọt từ năm 2019 đến nay diện tích cà phê của Việt Nam liên tục tụt giảm 5-7%. Trong đó, diện tích cà phê già cỗi gia tăng. Từ năm 2022, nhiều người dân các tỉnh Tây Nguyên đã chặt cà phê chuyển sang sầu riêng, mít khiến sản lượng thu hoạch giảm mạnh.
Theo báo các của Sở Nông nghiệp các tỉnh, tới thời điểm này El Nino đang khiến nhiều vùng cà phê bị ảnh hưởng. Nhiều nơi vẫn thiếu nước và không có mưa để tưới tiêu cho cây dẫn tới nguy cơ sụt giảm nguồn cung vụ tới đẩy giá cà phê tăng không có điểm dừng.