Việt Nam tính đến nay đã tham gia ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đây là chất xúc tác giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nâng cao giá trị cũng như góp phần vào tổng kim ngạch trao đổi thương mại, tăng trưởng kinh tế.
Dòng tiền tỉ đô cuộn chảy thông qua các FTA
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với sự hỗ trợ đắc lực từ các hiệp định FTA song phương. Tính riêng năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt con số 44,95 tỉ USD, tăng đều qua các năm.
Trao đổi với Lao Động, ông Ichiro Hara – Giám đốc điều hành Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) – cho biết, Việt Nam và Nhật Bản có 4 hiệp định FTA song phương. Thêm nữa, Nhật Bản cũng ký kết FTA với khối ASEAN. Hiệp định RCEP sẽ gồm 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với 5 quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản. Ngoài ra, Hiệp định CBT có cả Anh gia nhập, vượt ra ngoài khuôn khổ châu Á Thái Bình Dương.
“Trong tất cả hiệp định trên, ngoài những hiệp định song phương FTA, EPA giữa Việt Nam và Nhật Bản, tất cả các hiệp định khác đều có sự tham gia của hai nước. Điều này thể hiện rằng với Nhật Bản, Việt Nam là một đối tác quan trọng” – ông Ichiro Hara nói.
Không những thế, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là quốc gia có triển vọng thứ hai trên thế giới để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh. Do đó, ông Ichiro Hara nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách những thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn ở phía ngược lại, có một số vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản cần giải quyết như so với một số quốc gia khác, doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng đưa ra những quyết định chậm hơn khá nhiều, điều này vô tình có thể đánh mất đi cơ hội đầu tư.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản đang dần nhận thức rằng cần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình đưa ra quyết định để có thể nắm bắt cơ hội, cùng Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Mở rộng ra phía Đại Tây Dương, EVFTA đã báo trước một kỷ nguyên mới về mối quan hệ cộng sinh và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế Việt Nam – châu Âu.
Việt Nam đã và đang nổi lên như một thành viên xuất sắc trên thị trường nhập khẩu EU và là thực thể chuỗi cung ứng then chốt, phản ánh mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc. Hơn thế nữa, giải quyết thâm hụt thương mại ngày càng mở rộng có thể mở ra cơ hội cân bằng và tăng trưởng khi cả hai nền kinh tế phát triển mạnh trong bối cảnh toàn cầu ngày càng kết nối.
“31% thành viên EuroCham xếp hạng Việt Nam trong số 3 điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu và hơn một nửa lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào năm 2023, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Sự bùng nổ đầu tư này nêu bật tính hiệu quả của FTA trong việc thu hút FDI bền vững, chất lượng cao và đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược” – ông Gabor Fluit – nguyên Chủ tịch EuroCham chia sẻ.
Cải thiện minh bạch chính sách, tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam
Hiện Việt Nam tham gia ký kết 16 FTA. Cơ bản các thị trường có hiệu quả tốt và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các FTA. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024, Bộ đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra. Trong đó sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà Việt Nam đã ký kết và đi vào thực thi. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số. Giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.