Sản phẩm du lịch mới giống như luồng sinh khí tiếp thêm sức hút cho điểm đến. Năm 2024 Quảng Ninh có 62 sản phẩm dự kiến đưa vào khai thác, tăng đáng kể so với năm ngoái. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp du lịch, hứa hẹn sự bùng nổ của du lịch ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Khai thác lợi thế du lịch biển đảo
Du lịch biển đảo là thế mạnh lớn nhất của Quảng Ninh, cũng giàu tiềm năng nhất cho khai thác các sản phẩm mới. Vì vậy riêng khu vực Vịnh Hạ Long (VHL), Vịnh Bái Tử Long năm 2024 dự kiến có 11 sản phẩm du lịch mới. Đơn cử, sản phẩm tàu tham quan, lưu trú du lịch vốn là đặc quyền của VHL, tới đây có cơ hội mở rộng, thông tuyến sang Vịnh Bái Tử Long. Hành trình của du khách cũng đa dạng, không chỉ là trải nghiệm không gian xanh êm như lụa của Vịnh Bái Tử Long, mà còn được khám phá các hang động, rừng cây, suối, thác nước có nhiều nét độc đáo, khác biệt với khu vực VHL trong phạm vi khu vực Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Các sản phẩm trải nghiệm, vui chơi, giải trí dưới nước cũng mở rộng tại nhiều khu vực trên VHL, như: Thuyền buồm, kayak, xuồng cao tốc, tắm biển và tổ chức các dịch vụ bãi biển trên các bãi cát tự nhiên ven những rặng núi đá của Di sản, tham quan các di chỉ khảo cổ, trải nghiệm văn hoá, cuộc sống của ngư dân, nuôi cấy, chế tác ngọc trai, chèo thuyền rồng, du thuyền kết hợp đám cưới… Đáng nói là nhiều sản phẩm đề xuất khai thác ở khu vực tuyến tham quan số 4, chủ yếu là du khách nghỉ đêm và khách quốc tế, mở ra cơ hội gia tăng những trải nghiệm cho dòng khách cao cấp này khi được hiện thực hoá.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng BQL VHL, cho biết: Đa số sản phẩm du lịch mới này là do các doanh nghiệp, HTX, cá nhân khai thác du lịch đề xuất, cơ bản có tính khả thi cao. Chúng tôi đang tập trung tham mưu cho tỉnh xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phát huy giá trị của VHL, dự kiến trình duyệt trong năm nay, tạo cơ sở pháp lý cho tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển các sản phẩm du lịch mới trên VHL.
Các khu vực biển đảo khác của tỉnh cũng cho thấy sự khởi sắc. Vân Đồn có 14 sản phẩm, các dịch vụ cao cấp tập trung ở 2 khu nghỉ dưỡng mới đầu tư, như: Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn có 4 sản phẩm nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ, thể thao ngoài trời và bãi biển, khu cắm trại, tiệc cưới ngoài trời, du lịch MICE; khu nghỉ dưỡng Angsana Quan Lạn có 2 sản phẩm du lịch MICE và du lịch biển – nghỉ dưỡng tại đảo. Cùng với đó, địa phương khai thác mạnh lợi thế các điểm du lịch trải nghiệm, sinh thái tại các xã Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn, Vạn Yên, Hạ Long, Đông Xá, Đoàn Kết.
Nằm cách biệt với đất liền, huyện đảo Cô Tô có 7 sản phẩm, mở rộng ra cả các vùng ít khai thác du lịch của địa phương, như thôn Đảo Trần với tour du lịch hành trình vì biển đảo quê hương, tham quan đảo 7 sao, vui chơi kết hợp ngắm hoàng hôn trên bãi biển Tình Yêu, cắm trại đêm tại Thanh Lân, đạp xe trải nghiệm Cô Tô đêm, du lịch chữa lành và sản phẩm du lịch thực tế ảo tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo.
Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng VH,TT&DL huyện Cô Tô, cho hay, các sản phẩm mới này được các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đưa vào tour tuyến chào bán tới du khách, đồng thời có sự liên kết, chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực để phục vụ sớm ngay trong mùa hè 2024. Riêng sản phẩm tham quan đảo 7 sao tại xã Đồng Tiến, không có dân cư sinh sống, nên sẽ phải giải quyết về vấn đề luồng tuyến, cảng bến, phương tiện vận tải, rồi mới có thể đưa vào phục vụ du khách, dự kiến sẽ khai thác vào tháng 9/2024.
Doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ
Đa phần sản phẩm du lịch mới tại các địa phương là do các doanh nghiệp đầu tư khai thác, có sức sống thực tế và sự mới mẻ, phục vụ nhu cầu của nhiều dòng khách khác nhau. Ở TP Hạ Long, nhiều trong 14 sản phẩm du lịch mới đã hoàn thiện, như: Phiên chợ đồ cũ “Ký ức xưa” tại khuôn viên Bảo tàng Quảng Ninh; Du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên VHL đã triển khai trên các du thuyền Ambassador, Saquila, Sea Octopus, Indochiana Cruise, Capella…; Tổ hợp vui chơi giải trí Ngọn Hải Đăng đã tổ chức thành công đêm nhạc My Soul 1981 của ca sĩ Mỹ Tâm từ cuối năm 2023, với sự có mặt của gần 5.000 khán giả, sẽ đi vào hoạt động trong mùa hè này.
Ở TX Đông Triều, cùng với Sân golf dự kiến khai thác dịp cuối năm, 2 sản phẩm là không gian bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc Tày tại Quảng Ninh Gate, điểm vui chơi giải trí dịch vụ du lịch Tân Việt Bắc đều đã vận hành. Cùng với đó là các sản phẩm chợ phiên văn hoá vùng cao tại xã Hà Lâu (Tiên Yên); Lương Mông, Đạp Thanh (Ba Chẽ); Ba Nhất (Đầm Hà)…
Sản phẩm du lịch mới năm nay không chỉ khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan, văn hoá, con người, tiềm năng du lịch 4 mùa các địa phương, mà còn phù hợp với nhu cầu của nhiều dòng khách. Bên cạnh những sản phẩm cao cấp kể trên, có những sản phẩm bình dân, gần gũi với du khách, như: Thể thao bóng đá nữ (Bình Liêu), tham quan đồi chè Quảng Long, chèo kayak, tàu du lịch và tour xe điện tham quan đảo Cái Chiên (Hải Hà), vui chơi giải trí tại bãi biển Trà Cổ, du lịch cộng đồng tại xã Bắc Sơn và tuyến phố đi bộ mới tại phường Trần Phú, Hải Hoà (Móng Cái)… Nhiều đơn vị chủ động tạo sự liên kết, phối hợp với nhau để khai thác các sản phẩm, như du lịch chữa lành tại Cô Tô, không gian văn hoá truyền thống dân tộc Tày tại Quảng Ninh Gate, phiên chợ “Ký ức xưa”… Tất cả góp phần tạo điểm nhấn sinh động thu hút khách, đóng góp tích cực vào bức tranh phục hồi mạnh mẽ của du lịch Quảng Ninh.