Taylor Swift đã viết thế này: “Trong tâm trí mình tôi thấy những ánh đèn thần tiên xuyên qua màn sương, nhưng tôi vẫn giữ tinh thần để gánh lấy sức nặng của vết rạn ấy’.
Đó là câu mở đầu một ca khúc thuộc album Tortured Poets Department, ca khúc So Long, London.
Câu hát dường như cảm hứng từ tứ văn kinh điển trong The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald, khi Gatsby chỉ cho Nick thấy ánh đèn màu xanh ở phía bên kia bờ vịnh, biểu tượng cho một khao khát vĩnh viễn không thể chạm tới của Gatsby.
Có khao khát nào Taylor Swift chưa đạt được?
Khi Tortured Poets Department phát hành, Taylor Swift đang ở trên đỉnh thế giới. Cô xuất hiện ở mọi nơi trong đời sống văn hóa đại chúng: tour lưu diễn Eras ăn khách nhất lịch sử, cô giành giải Grammy cho Album của năm đến lần thứ 4 (điều chưa từng có ai làm được), trong khi vẫn tằng tằng ghi âm lại những album cũ của mình với thêm các ca khúc chưa được công bố.
Và rồi cô phát hành một album với tận 31 ca khúc, dài 2 tiếng – bằng một bộ phim điện ảnh!
Phải chăng “ánh đèn màu xanh” mà Taylor Swift đang vươn tới không chỉ là sự vĩ đại, vì điều đó thì cô đã đạt được rồi, mà là sự vĩ đại tuyệt đối, trường kỳ, bất biến?
Lên đỉnh cao chưa đủ, cô muốn đỉnh cao đó được duy trì không ngừng nghỉ và mở rộng ra vô biên.
Người ta vẫn thường nói về Swift như một nhà thơ trong âm nhạc và tham vọng trở thành một thi gia đích thực hiển hiện trong The Tortured Poets Department, album mà tựa đề dịch nôm na là “phân khoa các nhà thơ mắc đọa”.
Nhưng bao giờ cũng vậy, tham vọng một khi quá bành trướng thì có thể lại phản tác dụng. The Tortured Poets Department vẫn là một album với những sáng tác đạt đến trình độ bao người ao ước, nhưng đây là Taylor Swift và ta không thể tránh khỏi trở nên “tiêu chuẩn kép” khi mong mỏi nhiều hơn thế.
Đành rằng Taylor Swift đã thực sự xuất sắc trong việc vào vai một cô giáo dạy văn lý tưởng cho người hâm mộ trẻ tuổi của mình, lồng ghép những gợi ý sách vở nghệ thuật hàn lâm dày đặc trong những tâm sự yêu đương, nào là thơ ca của Dylan Thomas, nào là William Shakespeare, nào là Khu vườn bí mật, nào là Peter Pan, nào là A Wrinkle in Time, nào là thần thoại Hy Lạp, thậm chí cả triết gia cổ đại Aristotle cũng có một vai cameo trong “bài giảng” của cô.
Đành rằng Taylor Swift vẫn cứ, tự nhiên như hơi thở, viết ra những bài hát mang vóc dáng một truyện ngắn, như The Black Dog về một đôi tình nhân chia sẻ cho nhau định vị của mình và rồi nàng thấy chàng bước vào một quán bar, hay I Look in People’s Window với một cô gái đi trên phố, nhìn vào những ô cửa sổ nhà bên tìm một gương mặt thân quen.
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Tức là thơ của Swift vẫn hay, vẫn đầy ắp vốn từ vựng làm ta xuýt xoa và những bản phối tối giản kiểu indie, lấy guitar và piano làm trung tâm của Aaron Dessner và Jack Antonoff vẫn mở rộng và phát triển từ thời kỳ Folklore, những “drama” với người yêu cũ vẫn nóng bỏng tay nhưng việc thiếu đi những ca khúc thực sự nổi trội có khả năng găm vào tâm trí người nghe và làm trụ đỡ cho album khiến 2 tiếng nghe nhạc không tránh khỏi những đoạn có phần dài dòng lê thê.
“Rượu nhạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”, hay như thành ngữ tiếng Anh “too much of a good thing can be bad” (cái gì quá cũng không tốt).
Sự xuất hiện dày đặc của Taylor Swift khiến cho người ta còn đặt ra một cụm từ “Taylor Swift fatigue”, cảm giác mệt mỏi khi đi đâu cũng thấy cô, lúc nào cũng thấy cô, chỗ nào cũng nghe nhạc cô văng vẳng, mạng xã hội góc nào cũng tràn ngập những câu chuyện về cô.
Sự chăm chỉ lao động của Taylor (người hâm mộ còn gọi đùa cô là “trâu Mỹ”) chỉ mới đây thôi đã giúp cô lên hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác nhưng đổi lại, nó lại lấy đi ở cô cảm giác thần bí cần có ở một nghệ sĩ – cái cảm giác rằng không phải lúc nào cô cũng có mặt ở đây để hát cho chúng ta nghe và trưng bày đời mình lên những ca khúc như trưng bày một triển lãm.
Sau cùng, với nghệ thuật, đôi khi sự biến mất cũng quan trọng hệt như sự hiện diện vậy.