Diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình địa chính trị thế giới cùng với áp lực gia tăng tỷ giá, lạm phát trong nước và thực trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp là những yếu tố đang gây sức ép lớn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội những quý còn lại của năm 2024.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm đốc thúc các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua thách thức, thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.
Mặc dù quý I/2024 khởi đầu thuận lợi với kết quả tăng trưởng GDP cao hơn kịch bản điều hành nhưng cũng đã xuất hiện những yếu tố mới từ bên ngoài tác động bất lợi đến tình hình trong nước. Đó là tình trạng bất ổn an ninh, chính trị tại nhiều quốc gia, khu vực, dẫn đến sự thiếu ổn định trên thị trường toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam. Thực tế này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đà phục hồi của hoạt động xuất khẩu – một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Đối với lạm phát, áp lực cũng ngày càng lớn hơn khi tỷ giá liên tục tăng cao do tác động căng thẳng của tình hình thế giới, cộng hưởng với tình hình trong nước đến từ việc áp dụng chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7, khả năng điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu Nhà nước quản lý… Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra và nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao.
Với tinh thần đó, nội dung đầu tiên của Chỉ thị số 12/CT-TTg là nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các vấn đề nóng, mới đang xuất hiện như biến động tỷ giá, giá vàng tăng cao đã được đề cập tại Chỉ thị cùng với giải pháp cụ thể giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đó là, điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Trọng tâm chính sách điều hành cũng hướng đến tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Cùng với đó là yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế; tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống… Đáng lưu ý, có những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ trình ngay trong tháng 5, như nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu; việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước… để đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra.
Đưa nền kinh tế dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng là mệnh lệnh để có thể hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%. Do đó, năm 2024 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá và mục tiêu tăng trưởng kinh tế trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất, bên cạnh nhiệm vụ giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn. Chỉ thị số 12/CT-TTg một lần nữa nhắc lại các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên để đốc thúc các bộ, ngành, địa phương cùng nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.