Từ một cuộc thi nhan sắc danh giá nhất hành tinh, Hoa hậu Hoàn vũ bị chê bai là rạp xiếc sau khi cho phép phụ nữ ở mọi độ tuổi và cả người chuyển giới được phép tranh tài.
Ngày 22/4 đã diễn ra chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Buenos Aires (thủ đô Argentina) 2024. Chung cuộc, bà Alejandra Rodríguez, 60 tuổi, đã vượt qua nhiều cô gái trẻ để đăng quang ngôi vị cao nhất.
Chiến thắng của Alejandra gây tranh cãi trên các diễn đàn sắc đẹp. Trong một bài viết về Alejandra được chuyên trang sắc đẹp Missuupdates đăng tải, một khán giả đã thẳng thừng gọi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ là rạp xiếc.
Sau đó, admin của chuyên trang này cũng không ngần ngại đáp trả bình luận trên. Một cuộc tranh cãi nổ ra về việc tại sao công chúng gọi Hoa hậu Hoàn vũ là rạp xiếc.
Sự tích cực
Phản pháo lại bình luận cho rằng Hoa hậu Hoàn vũ là rạp xiếc, chuyên trang Missuupdates viết: “Bạn đã biết về chuyện ban tổ chức Miss Universe đã bỏ giới hạn độ tuổi nhưng bạn vẫn vào trang của tôi để bình luận. Có tới hơn 20 cuộc thi sắc đẹp ngoài kia cho bạn chọn, tôi không ép ai phải xem Hoa hậu Hoàn vũ, nhưng bạn vẫn ở đây. Rạp xiếc mà bạn nói là phụ nữ 60 tuổi xinh đẹp, là một luật sư, nhà báo, nhà hoạt động vì động vật, đang cạnh tranh lành mạnh và không ảnh hưởng đến bạn hay bất kỳ ai. Và tôi chắc chắn, đến lúc bạn 60 tuổi, bạn sẽ chẳng được như cô ấy đâu”.
Nhiều khán giả đồng ý với bình luận này, cho rằng việc bỏ giới hạn độ tuổi dự thi là một bước tiến mang tính nhân văn của Hoa hậu Hoàn vũ. Sự xuất hiện của những phụ nữ lớn tuổi như Alejandra Rodríguez ở cuộc thi nhan sắc lớn như Hoa hậu Hoàn vũ được xem là động lực giúp phụ nữ ở mọi lứa tuổi tự tin tỏa sáng và thể hiện bản thân.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những thí sinh đa dạng về độ tuổi, hoàn cảnh được cho là khiến cuộc thi có sức hút hơn vì truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa.
Hoa hậu Hoàn vũ được xem là cuộc thi sắc đẹp tiên phong trong việc phá bỏ những quy định thông thường đối với một cuộc thi nhan sắc truyền thống. Và những phụ nữ lớn tuổi đến với cuộc thi này để mong muốn truyền tải những thông điệp tích cực tới phụ nữ.
Hoa hậu Hoàn vũ 2022 R”Bonney Gabriel cũng từng bày tỏ quan điểm về điều này. “Tôi nghĩ đó là thay đổi tốt. Câu nói yêu thích của tôi đó là ‘Nếu không phải bây giờ thì khi nào?’. Bởi vì, là phụ nữ, tôi tin rằng tuổi tác không nói được nhiều về chúng ta. Không phải hôm qua, không phải ngày mai mà là ngay bây giờ bạn có thể theo đuổi điều mà mình mong muốn”, cô nói.
Cạnh tranh không công bằng?
Tuy được đánh giá là sự đột phá mang tính tích cực nhưng việc phụ nữ lớn tuổi tranh tài cùng những cô gái trẻ ở độ tuổi 20 vẫn khiến nhiều người băn khoăn về sự cạnh tranh công bằng của cuộc thi.
Trả lời tờ Business Insider, Rachel Slawson – Hoa hậu bang Utah 2020 – thể hiện sự hoài nghi với những đổi mới của ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ.
“Tôi đồng ý rằng phụ nữ sẽ không hết thời ở tuổi 28, 29 – khi chúng chỉ mới bắt đầu sự nghiệp. Nhưng điều này có thể không công bằng cho những phụ nữ trẻ khi họ phải cạnh tranh cùng những phụ nữ lớn tuổi, những người tự tin và có nhiều kinh nghiệm hơn”, Rachel nói.
Cô nói thêm: “Tôi ủng hộ phương án có nhiều khung độ tuổi khác nhau cho phụ nữ dự thi. Thật truyền cảm hứng khi thấy phụ nữ nhiều độ tuổi khác nhau thi sắc đẹp, nhưng nếu nhìn họ thi ứng xử thì tôi thấy bối rối”.
Asya Branch – Hoa hậu Mỹ 2020 – cho rằng: “Tôi không muốn nói rằng điều này là không công bằng, nhưng nó khiến một số người cảm thấy khó khăn và thách thức hơn. Làm thế nào bạn so sánh được một cô gái trẻ mới lớn và một phụ nữ đã trưởng thành được 20 năm?”.
Branch hiện huấn luyện cho một số cô gái trẻ dự thi sắc đẹp. Cô cho biết họ đang lo lắng khi phải thi với những phụ nữ lớn tuổi, có nhiều sự tin tin và trải nghiệm sống hơn họ.
Vì sao Hoa hậu Hoàn vũ bị chê là rạp xiếc?
Dù những thay đổi của Hoa hậu Hoàn vũ được nhiều khán giả đón chào, tuy nhiên nó vẫn bộc lộ những mặt trái của một cuộc thi đang ngày càng bị thương mại hoá bởi người dẫn đầu là nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip – bà chủ Hoa hậu Hoàn vũ.
Là một người chuyển giới, bà Anne Jakrajutatip luôn nói về bình đẳng, nữ quyền. Lãnh đạo tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ được xem là một cơ hội để nữ tỷ phú người Thái Lan nâng cấp hình ảnh của mình như một nhà hoạt động xã hội vì phụ nữ.
Tuy nhiên, đằng sau những rao giảng tốt đẹp của bà Anne, vẫn là những toan tính đậm mùi tiền.
Hình ảnh tốt đẹp mà bà Anne dày công xây dựng sụp đổ khi đoạn video quay lại cuộc họp kín giữa bà và ê-kíp bên Mexico vào ngày 23/10/2023 bị một cựu nhân viên của tổ chức Miss Universe có tên Rodrigo Goytortua tung lên mạng.
Trong clip, bà Anne khẳng định cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ không giới hạn độ tuổi, cho phép phụ nữ chuyển giới, ngoại cỡ, đã kết hôn, có con tham gia nhưng sẽ không để cho những đối tượng này giành chiến thắng. Nữ tỷ phú cũng khẳng định việc họ dự thi chỉ để tăng độ tiếp cận khán giả và kinh doanh.
Làn sóng chỉ trích dữ dội nhắm vào nữ tỷ phú chuyển giới. Họ cho rằng sau những lời nói tốt đẹp, nữ doanh nhân đang tìm mọi cách để kiếm lợi nhuận từ cuộc thi. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người cho rằng bà Anne đã biến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thành rạp xiếc.
Sau những ồn ào, nữ tỷ phú tiếp tục đưa ra những tuyên bố tốt đẹp: “Chúng tôi luôn có những người ủng hộ tốt bụng, thực sự yêu thích thương hiệu Miss Universe và tin tưởng vào giá trị cốt lõi của chúng tôi là thúc đẩy sự đa dạng. Tôi là phụ nữ chuyển giới và là người mẹ, người suốt đời đấu tranh cho quyền bình đẳng giới để có được vị trí như hiện tại. Tại sao tôi phải sống trái ngược với những gì tôi tin tưởng? Chúa đã cho tôi mục đích để sống, truyền cảm hứng và lan tỏa lòng tốt”.
Tuy nhiên, lòng tin của công chúng vào cuộc thi phần nào đã vơi dần sau những lùm xùm mà nữ tỷ phú gây ra. Nhiều người băn khoăn, liệu Hoa hậu Hoàn vũ có còn xứng đáng là cuộc thi nhan sắc danh giá nhất hành tinh dưới thời kỳ lãnh đạo của bà Anne.