Thái Hòa từng có nhiều vai diễn được khen. Tuy nhiên, với “Cái giá của hạnh phúc”, bộ phim mắc nhiều lỗi trong kịch bản, tài năng của nam diễn viên bị lãng phí.
Sự nghiệp của Thái Hòa đủ cả thăng lẫn trầm. Phim anh đóng thắng nhiều nhưng thua cũng không ít. Bên cạnh những tác phẩm trăm tỷ như Tiệc trăng máu (175 tỷ đồng), Để mai tính 2 (103,1 tỷ đồng), thì cũng có phim lỗ nặng như Người cần quên phải nhớ (3,9 tỷ đồng), Fan cuồng (13 tỷ đồng).
Tuy nhiên, dù thắng thua ra sao, một điều khó có thể phủ nhận là diễn xuất của Thái Hòa qua các phim vẫn luôn được duy trì ở mức tốt. Tại giải Cánh Diều 2023, Thái Hòa giành cú đúp giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc ở cả hai lĩnh vực điện ảnh lẫn truyền hình. Anh từng một trong số ít diễn viên tại Việt Nam khiến khán giả “nghe tên thôi đã muốn ra rạp”.
Mới đây, với sự góp mặt của Thái Hòa, Cái giá của hạnh phúc đã thu về 20 tỷ đồng sau 1 tuần công chiếu. Song dự án lại cũng nhận về không ít phản hồi tiêu cực từ giới phê bình. Sự hạn chế trong kịch bản cũng khiến một nam diễn viên như Thái Hòa chưa thể bộc lộ hết tài năng diễn xuất của mình.
Bảo chứng phòng vé một thời
Rất khó để chỉ ra đâu là vai diễn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Thái Hòa. Bởi ở mỗi tác phẩm, nam diễn viên 50 tuổi lại có những cách tỏa sáng khác nhau. Sự đa sắc, đa diện đó là thứ “của hiếm” của điện ảnh Việt Nam hiện tại.
Thái Hòa vừa có thể hài hước, “vô tri” như trong Tèo em, Để mai tính 2, vừa đồi bại, đểu cáng như Phan Bất Bình trong Tiệc trăng máu. Lúc khác, anh lại biến mình trở thành người cha nát rượu, cổ hủ khi tham gia Con nhót mót chồng, nhưng cũng có thể là người đàn ông duyên dáng, giỏi nội trợ, phá vỡ tiêu chuẩn thông thường về sự nam tính trong Chàng Vợ của em.
Dù Thái Hòa đảm nhận dạng vai nào, những phim đó thành bại ra sao, có một điều đã luôn được duy trì xuyên suốt ở mức tốt, đó chính là chất lượng diễn xuất của anh.
Với các dạng vai không quá nổi trội như Hùng trong Chàng vợ của em, hay ông Xỉn trong Con Nhót mót chồng, Thái Hòa vẫn tìm được không gian để tỏa sáng. Diễn xuất của nam diễn viên phủ dày lớp cảm xúc lên các vai diễn đó, góp phần nâng tầm nhân vật.
Ngược lại, với các dạng vai khó, đòi hỏi cao ở kỹ nghệ diễn xuất như Phan Bất Bình của Tiệc Trăng Máu hay Ngọc trong Cây táo nở hoa, anh hoàn toàn thành công trong việc bộc lộ nội tâm phức tạp của nhân vật.
Dễ thấy, Thái Hòa là kiểu diễn viên có lối diễn xuất mạnh mẽ. Những biểu cảm của anh có thể đưa người xem đến tận cùng của yêu và ghét, của thương xót và căm giận. Qua lối diễn đó, khán giả dễ dàng xúc động, đem lòng cảm mến người anh chịu thương chịu khó Ngọc trong Cây táo nở hoa, hay ngược lại cũng có thể khinh bỉ một Phan Bất Bình gia trưởng, cộc cằn.
Dù phảng phất đôi chút chất cường điệu, song diễn xuất của Thái Hòa lại không bị “kịch hóa”. Đó là bởi, nam diễn viên biết cách thiết lập một tiến trình cảm xúc rõ ràng. Thay vì vội vã khóc cười, Thái Hòa chậm rãi đưa người xem lướt qua từng thang bậc cảm xúc, thuyết phục họ tin vào những điều nhân vật đang trải qua.
Qua từng năm, diễn xuất của nam diễn viên ngày càng chín mùi hơn. Một mặt, anh vẫn giữ được chất hài vốn có nhờ những tình huống tung hứng nhịp nhàng, mặt khác cũng táo bạo và nội lực hơn trong những phân đoạn căng thẳng.
Đài từ là một điểm mạnh khác của Thái Hòa. Nhờ sự nhập tâm vào vai diễn, nam diễn viên thoại như chính nhân vật đang cất tiếng, xóa nhòa ranh giới giữa diễn xuất và đời thực, vừa tự nhiên, vừa cảm xúc. Chính đài từ xuất sắc là thứ giúp Thái Hòa trở nên khác biệt so với phần lớn diễn viên Việt hiện tại.
Tài năng bị lãng phí trong tác phẩm mới nhất
Mới đây, Thái Hòa góp mặt trong Cái giá của hạnh phúc, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm. Thuộc thể loại tâm lý – chính kịch, chuyện phim kể về một gia đình thượng lưu 3 thế hệ. Họ khoác lên mình vẻ ngoài là một “gia đình hoàn hảo” – vợ chồng thành đạt, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, có nền tảng giáo dục, đạo đức tốt. Song tồn tại phía sau là những bí mật động trời.
Trong phim, Thái Hòa thủ vai Thoại, người chồng, người cha và cũng là con rể trong gia đình thượng lưu. Song ông Thoại lại “cặp kè” từ cô diễn viên này đến người mẫu khác. Đỉnh điểm là vào đêm tân hôn của con trai, ông vào phòng và ngủ với con dâu của mình.
Dù có một vài khoảnh khắc lóe sáng, song về tổng thể, Thái Hòa dường như bị bó buộc khá nhiều trong một dạng nhân vật vừa thiếu chiều sâu, vừa vô lý.
Thiếu chiều sâu ở chỗ, xuyên suốt phim, Thoại gần như không có bất kỳ một xung đột nội tâm nào. Là một người cha, ông không có chút để tâm, ngó ngàng đến con cái. Hay với vai trò con rể, Thoại lập tức đệ đơn ly dị ngay khi bố vợ vừa qua đời. Nhân vật này hiện lên với tính cách một màu, hoàn toàn ác, không có chút trăn trở nào về những hành động sai trái của mình. Sự đơn biến trong cách xây dựng nhân vật đó hạn chế diễn viên, khiến họ khó lòng bộc lộ năng lực diễn xuất của mình.
Ngoài ra, Thoại cũng có những hành động chưa hợp lý, nhiều chuyển biến tâm lý khó hiểu, khiến khán giả khó tin đây là một nhân vật có thật ngoài đời. Đơn cử như khi ông quỳ xuống xin lỗi vợ và được tha thứ, nhưng chỉ sau một vài lời trách móc từ con, Thoại nhanh chóng lật mặt, đổ hết mọi tội lỗi cho vợ mình, hay như phân cảnh 18+ đậm chất máu me ở cuối phim, sự điên rồ đó có phần quá lố, thiếu thực tế.
Thêm vào đó, nam diễn viên cũng không được cho quá nhiều đất diễn trong dự án lần này. Ống kính của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm tập trung hướng vào hành trình đánh ghen và những chuyển biến tâm lý của bà Dương. Ông Thoại chỉ chủ yếu xuất hiện ở những phân cảnh bên nhân tình hoặc một vài khoảnh khắc ở gần gia đình thượng lưu. Chính vì thế, Thái Hòa đã không có quá nhiều không gian để bộc lộ khả năng diễn xuất của mình.
Tựu trung, màn trình diễn của Thái Hòa trong Cái giá của hạnh phúc vẫn ít nhiều để lại điểm nhấn. Anh có một vài tình huống bộc phát ấn tượng, chút ít phân đoạn thể hiện cảm xúc tinh tế, thuyết phục. Song do sự giới hạn của kịch bản, chủ nhân giải thưởng Cánh Diều 2023 vẫn chưa thể phát huy hết tài năng diễn xuất của mình.
Rõ ràng, với những gì Thái Hòa thể hiện trong các năm qua, khán giả đã mong đợi nhiều hơn vào một dự án có sự góp mặt của anh.