Quảng Ninh có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh. Bên cạnh những thuận lợi, môi trường của tỉnh cũng chịu những áp lực lớn từ chất thải rắn hữu cơ. Nhằm giảm thiểu nguồn phát thải, xử lý triệt để chất thải, bảo vệ môi trường, tỉnh có nhiều giải pháp tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.
Lượng đất đá đổ thải của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt trên 150 triệu m³/năm. Trong khi đó, Quảng Ninh có nhiều dự án hạ tầng kinh tế, đô thị, giao thông đã và đang được đầu tư. Cuối tháng 9/2020, TKV giao cho Công ty Chế biến Than Quảng Ninh lập quy hoạch các khu vực bãi thải đất đá từ quá trình khai thác và chế biến than có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Cuối năm 2022, TKV khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, TKV cung cấp hơn 17.220m³ đất đá thải làm vật liệu san lấp cho 2 dự án: Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả (khai thác khu vực bãi thải cánh tây mỏ Núi Béo) và cầu Bình Minh (khai thác bãi thải phía Trụ Nam mỏ Suối Lại). TKV đã quy hoạch khai thác đất đá thải mỏ tại Quảng Ninh đến năm 2030 bao gồm 16 khu vực với tổng khối lượng đất đá thải có thể khai thác, thu hồi khoảng 633,4 triệu m³, bình quân gần 82 triệu m³/năm. Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ TN&MT xây các phương án thu hồi đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng với tổng trữ lượng đất đá khoảng 35 triệu m³, qua đó giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp cho những công trình, giảm thiểu chất thải rắn công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, nhiều mô hình thu gom, xử lý và tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích được triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rác thải rắn hữu cơ, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Từ năm 2018, Hội LHPN phường Hà Trung (TP Hạ Long) triển khai mô hình đan làn đi chợ. Những chiếc làn này được tạo nên từ dây nhựa buộc gạch, thùng hàng, vật liệu xây dựng… được chị em thu gom, làm sạch rồi khéo léo kết lại. Đến nay, hội viên, phụ nữ phường Hà Trung đã sản xuất được trên 4.000 chiếc làn, nhiều người ưa chuộng, tiêu thụ rộng khắp ở trong và ngoài tỉnh. Bà Hoàng Thị Mừng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 4, phường Hà Trung (TP Hạ Long), cho biết: Hằng ngày, một lượng lớn rác thải hữu cơ như dây nhựa, túi nilon, chai nhựa… xả ra môi trường. Mô hình đan làn đi chợ của phụ nữ đã tái chế hàng nghìn tấn dây nhựa. Người dân trong khu cũng đã thay đổi thói quen từ việc sử dụng túi nilon để đi chợ mua bán hàng hóa thì chuyển sang dùng làn, giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa, hình thành thói quen sống xanh. Thời gian tới, chi hội phối hợp với phường và đơn vị liên quan quảng bá sản phẩm tại các điểm du lịch, xúc tiến tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, từng bước triển khai mô hình tái chế tấm nhựa khổ lớn như pano, áp phích… thành các vật dụng hữu ích.
Nhằm đưa chất thải rắn hữu cơ là nguồn tài nguyên, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, đầu tháng 4/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ phụ phẩm trồng trọt được thu gom và tuần hoàn đạt 80%; tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại đô thị được tuần hoàn đạt 50%; mỗi địa phương có ít nhất 1 điểm, vùng liên kết tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ. Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ; xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng và nhân rộng các sáng kiến, mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại chỗ và liên vùng… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tiếp nhận tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ dựa trên nền tảng chuyển đổi số toàn diện.