Cùng với các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, lực lượng CCB đang tích cực tham gia trồng và giữ rừng, nhân lên những lá phổi xanh để bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn sinh kế lâu dài. Tại xã Đông Hải (huyện Tiên Yên), CLB Bảo vệ rừng ngập mặn (RNM) do CCB làm nòng cốt được thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động hơn 1 năm qua.
Những cánh RNM được ví như những lá chắn xanh bảo vệ đất đai, bảo vệ con người vùng ven biển. Nhờ có tầng tầng, lớp lớp cây sú, đước, tràm… mọc san sát nhau, cắm bộ rễ sâu vào đất, tạo thành hàng rào che chắn cho thôn làng, đồng ruộng trước sóng to gió lớn từ biển cả, ngăn sự xâm nhập mặn vào đất liền. Đê điều, bờ bãi không bị xói lở, những nguồn thủy sản được thêm phong phú… nhờ có RNM. Chỉ cần màu xanh ấy vẫn phát triển tươi tốt thì vùng ven biển vẫn còn bình yên trước khí hậu biến đổi, thiên tai khắc nghiệt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, RNM có thể phải đối diện với nguy cơ thu hẹp dần. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, sự quan tâm của các ngành chức năng và của chính cộng đồng dân cư sinh sống tại các vùng ven biển có RNM.
Xuất phát từ thực tế ấy, những CCB xã Đông Hải đã cùng nhau thành lập CLB Bảo vệ RNM để tham gia quản lý, trông coi bảo vệ diện tích RNM quý giá trên địa bàn xã. Đây là mô hình được phát triển lên từ tổ tự quản của Chi hội CCB thôn Hội Phố (xã Đông Hải) đã duy trì nhiều năm qua. Sau 1 năm ra mắt, CLB đã thu hút được hơn 20 thành viên. Ở họ có một điểm chung là tinh thần gương mẫu, tình nguyện vì cộng đồng, nên dù quân số còn ít, nhiều CCB tuổi đã cao, nhưng đều tích cực tham gia.
CCB Phạm Văn Luận là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Hội Phố, nay tiếp tục là Chủ nhiệm CLB Bảo vệ RNM của xã. Ông kể: “Chúng tôi duy trì ít nhất 2 buổi tuần tra RNM mỗi tháng, kết hợp tuần tra đi bộ dọc tuyến đê bờ biển, 1 chuyến xuồng máy đi vào sâu trong vạt rừng khi con nước dâng cao. Mỗi chuyến như vậy vừa kiểm tra phát hiện nếu có các dấu hiệu xâm hại rừng, vừa tuyên truyền cho ngư dân khai thác bền vững, bảo vệ môi trường”.
Hơn 370ha RNM của xã được giữ gìn, bảo vệ bằng tâm huyết, hành động cụ thể của những CCB. Những con sóng cũng trở nên hiền hòa hơn, nguồn lợi hải sản phong phú hơn. Được chứng kiến những khoảng rừng sú, đước sinh trưởng tươi tốt, chống chịu vững vàng qua từng mùa mưa gió bão, là niềm vui lớn đối với những CCB. Đó cũng đang là động lực thôi thúc họ quyết tâm duy trì thật tốt mô hình tự quản này, như một cách nêu gương tiên phong, giáo dục cho thế hệ trẻ của của xã về trách nhiệm đối với môi trường tự nhiên.
Nhiều năm qua tỉnh luôn nhất quán quan điểm tăng trưởng bền vững. Trong phát triển lâm nghiệp đặt ra yêu cầu phải có sự đồng bộ giữa khai thác rừng với trồng rừng, tái tạo và bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái, thích nghi với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn sinh kế ổn định lâu dài của người dân. Cách làm của các CCB xã Đông Hải là một trong nhiều mô hình tiêu biểu, tập thể điển hình của lực lượng CCB tỉnh chung sức xây dựng quê hương, khẳng định truyền thống Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng giữa đời thường.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 19.300ha rừng ngập mặn phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn… Trong đó rừng ngập mặn phòng hộ gần 16.000ha, rừng ngập mặn sản xuất gần 4.000ha và rừng ngập mặn đặc dụng 26ha.
Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó bao gồm rừng ngập mặn, gắn với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Bao gồm việc duy trì trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông bằng công nghệ mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới; bảo vệ nghiêm ngặt dải cây xanh và hệ sinh thái rừng ngập mặn…
|