Dự kiến có 16.800 lượng vàng sẽ được đấu thầu trong phiên đấu thầu ngày mai (22/4) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
10h sáng ngày mai, tức 22.4.2024 (thứ Hai), Ngân hàng Nhà nước chính thức bắt đầu tổ chức phiên đấu giá vàng đầu tiên sau 11 năm vắng bóng.
Địa điểm tổ chức đấu thầu diễn ra tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước – Ngân hàng Nhà nước số 25 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo Ngân hàng Nhà nước, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá.
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đầu thấu là 16.800 lượng vàng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Theo quy định, loại vàng miếng bán ra là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.
Các thành viên tham gia đấu thầu sẽ đặt cọc với tỉ lệ 10%. Giá tham chiếu để tính đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng (giá này chỉ tính để đặt cọc).
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 14.000 lượng vàng.
Khối lượng đặt thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 20.000 lượng vàng.
Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng; bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).
Theo đó, mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, trường hợp Ngân hàng Nhà nước không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, thì Ngân hàng Nhà nước quyết định huỷ kết quả đấu thầu vàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua; 1 tiếng sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Hiện có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Việc đấu thầu vàng được tổ chức lại sau hơn 11 năm trong bối cảnh giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giá mua và bán vàng trong nước chênh lệch lớn. Việc tổ chức đấu thầu nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital, việc đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm đối diện với nhiều điểm khác biệt trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi.
Năm 2013, việc đấu thầu vàng diễn ra khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm. Song năm 2024, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định tổ chức đấu thầu vàng khi giá vàng trong nước và thế giới liên tục leo thang. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới đến 14 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia, nếu đấu thầu vàng diễn ra, lãi suất và tỷ giá đều sẽ bị ảnh hưởng. Vì đấu thầu vàng yêu cầu một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, gây ảnh hưởng đến tỷ giá và lãi suất, tác động mạnh đến thị trường tài chính.