Tại Quảng Ninh, những năm qua, kinh tế tập thể từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về hình thức hợp tác. Qua đó, góp phần tích cực giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Năm 2019, hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp ấp trứng và sản xuất giống gia cầm Thắng Huệ (huyện Đầm Hà) được thành lập với mục tiêu là cùng nhau phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là ngan sao. Đến nay, HTX đang có hơn chục thành viên, hoạt động hiệu quả, mỗi tháng đưa ra thị trường hàng tấn thịt thương phẩm cùng hàng nghìn con giống gia cầm.
Anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập giúp các thành viên cùng liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. HTX cũng chú trọng đầu tư các thiết bị hiện đại để ấp trứng và sản xuất giống gia cầm, đồng thời thiết lập những quy định chặt chẽ về chăn nuôi để đảm bảo sản phẩm xuất bán là sản phẩm chất lượng, an toàn nhất. Hiện HTX đang cung cấp trứng và con giống ổn định cho các trang trại trong vùng và các địa phương lân cận.
Tương tự như HTX Thắng Huệ, năm 2014, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp – cơ khí (thôn Đông Hải, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) được thành lập. Từ mô hình này, việc liên kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động đã tạo nền tảng vững chắc cho các thành viên trong tổ phát huy thế mạnh của mình, sản xuất, kinh doanh ngày càng khởi sắc, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Ông Lương Xuân Dậu, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Khi nhận thi công các công trình, chúng tôi sẽ giới thiệu nhau để có thêm việc làm, ví dụ cơ sở của chúng tôi thi công nhôm kính, sẽ nhận thêm phần mộc để cho cơ sở mộc. Như vậy, các thành viên đều hỗ trợ nhau, cùng nhau phát triển.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 667 HTX, 210 tổ hợp tác và 3 liên hiệp HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70%. Doanh thu bình quân của mỗi HTX là 850 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân một thành viên, lao động trong HTX đạt 68 triệu đồng/năm.
Khu vực kinh tế này là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào hoàn thành mục tiêu quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực vào chương trình OCOP của tỉnh. Đặc biệt, các HTX đã phát huy vai trò tập hợp, vận động bà con nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện liên doanh, liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Tại HTX Dịch vụ thương mại và sản xuất rau an toàn Trung Thái, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã đầu tư xây dựng các nhà lưới khép kín với hệ thống tưới tiêu tự động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho rau màu sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh. Đặc biệt, HTX thành lập cả đội kỹ thuật để giám sát, đảm bảo quy trình sản xuất rau tiêu chuẩn. Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết: Hiện mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 2-2,5 tấn rau, củ, quả các loại và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng.
Để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các HTX, coi việc tháo gỡ khó khăn, rào cản cho HTX là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để HTX chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tỉnh cũng tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của các HTX; thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển HTX.