Mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính là để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo ra được một môi trường lành mạnh, văn hóa, cải thiện các rào cản, điểm nghẽn để thu hút đầu tư.
Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023.
Sau Hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.
– Nhìn vào hai Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2023, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Nhìn tổng thể, có thể nói Chỉ số cải cách hành chính cũng như Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 đã có những bước tiến bộ hơn, chuyển biến tích cực hơn.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2022 đã tăng lên khoảng 2% và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 cũng đã đạt bình quân trên 80%.
Đặc biệt là đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Chỉ số PAR INDEX tăng rất cao, đạt 86,98% và cũng tăng xấp xỉ 3%.
Như vậy, qua hai chỉ số này cho chúng ta thấy rõ ràng kết quả để thực hiện mục tiêu về cải cách hành chính và sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến tích cực, thực sự đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2023 và góp phần hết sức cơ bản để chúng ta tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ người dân tốt hơn.
Có những chỉ số chúng tôi thấy có sự tiến bộ rất rõ.
Một là về cải cách thể chế, năm qua cũng là năm Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung tập trung quyết liệt và tích cực cho cải cách thể chế.
Thứ hai, cải cách tổ chức bộ máy đã có những chuyển biến rõ hơn, đã tập trung sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp và đang tập trung cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Thứ ba là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tất cả các bộ, ngành, địa phương có nhiều tiến bộ hơn, nên kết quả về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng có những chỉ số được nâng lên.
Vấn đề thứ tư liên quan đến một nội dung tôi thấy rất rõ nét, đó chính là thúc đẩy cho chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và công dân số. Đó là những điểm nhấn trong cải cách hành chính của năm 2023.
Chỉ số PAR INDEX và SIPAS đã ghi nhận một cách khách quan, đa chiều, tương đối toàn diện, chi tiết dưới nhiều góc độ khác nhau.
Kết quả đó là một áp lực, nhưng cũng vừa là động lực, giúp cho chúng ta có thêm giải pháp và quyết tâm tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính.
– Chỉ số SIPAS đã nêu 10 nội dung mà người dân mong đợi cần cải thiện trong đó có nội dung về nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; cũng như năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân? Bà nghĩ sao về điều này? Phải chăng vẫn còn nhiều rào cản, điểm nghẽn?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, đột phá trong cải cách để duy trì, hoặc cải thiện được các chỉ số ở thứ hạng cao trong bảng xếp hạng, tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy rằng công tác cải cách hành chính có những mặt còn hạn chế, tồn tại.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác lãnh đạo trong cải cách hành chính, dẫn đến khoảng cách giữa các nhóm bộ/tỉnh đứng đầu với các bộ/tỉnh đứng cuối bảng có khoảng cách khá xa, tới khoảng 10%.
Như thế để thấy rằng sự cố gắng, nỗ lực ấy chưa thật sự đồng đều ở tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Cải cách thủ tục hành chính chưa đạt được như mong muốn, hiện vẫn là rào cản và đang là những điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cải cách công vụ, mặc dù đã có những nỗ lực nhưng thực chất vẫn chưa đáp ứng được mong muốn, chưa đảm bảo được yêu cầu. Bởi vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, sợ trách nhiệm và né tránh, đùn đẩy, ảnh hưởng đến vai trò công vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa tôi thấy còn những hạn chế, đó là trong cải cách hành chính, cải cách về tổ chức bộ máy, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng tổ chức bộ máy của chúng ta vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
– Theo Bộ trưởng, để cải cách hành chính, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, thời gian tới chúng ta cần làm gì?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho Chính phủ tập trung trọng tâm vào một số nhiệm vụ cơ bản sau.
Một là phải tập trung cao nhất, cao độ hơn bao giờ hết cho cải cách thể chế, chính sách. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để chúng ta khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Hai là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính. Đây vẫn là những khó khăn, vướng mắc nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc đổi mới sáng tạo.
Ba là cải cách công vụ, đây là vấn đề còn có những hạn chế như tôi đã nói ở trên. Vì vậy, trong những năm tới cần có những giải pháp mạnh mẽ để chúng ta có một bộ thể chế đầy đủ, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức trong làm việc, đảm bảo được văn hóa công vụ và hơn nữa là thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, có năng lực vào trong khu vực công. Theo đấy nữa đó là khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm và không dám chịu trách nhiệm.
Vấn đề tiếp theo, tôi nghĩ hơn bao giờ hết chúng ta phải thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử, cũng như chính quyền, số chính quyền điện tử.
Nhiệm vụ này vô cùng quan trọng, chỉ có thúc đẩy các nội dung này chúng ta mới có thể giải quyết bài toán rất lớn để thực hiện mục tiêu cải cách công vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.
Mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính, đo lường chỉ số hài lòng của người dân là để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo ra được một môi trường lành mạnh, văn hóa, cải thiện các rào cản, điểm nghẽn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
– Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.