Hiện nay Quảng Ninh đã chủ động quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, nhất là nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), các nguồn thải có quy mô lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thu gom xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở khu đô thị vẫn gặp khó khăn.
Có thể thấy, nước thải công nghiệp tại các KCN, CCN, các nguồn thải có quy mô lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đã được tỉnh chỉ đạo xử lý sát sao. Theo đó, toàn tỉnh đã kiểm soát tự động tình hình phát sinh và xử lý nước thải công nghiệp của các nguồn thải qua 138 hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Qua đó cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 KCN đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung gồm 15 mô-đun với tổng công suất xử lý 71.400m3/ngày đêm. Trong đó 6/6 KCN có dự án thứ cấp hoạt động đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các dự án hạ tầng KCN bố trí hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với thu gom, thoát nước thải. 100% các dự án thứ cấp trong KCN có hệ thống thu gom, thoát nước mưa đấu nối vào hệ thống thoát nước mưa của KCN; 4/5 CCN đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; các nhà đầu tư thứ cấp ở KCN còn lại cũng có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Các công ty, đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, chủ yếu là các đơn vị, doanh nghiệp khai thác than trên địa bàn Quảng Ninh đều có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải y tế.
Còn 2 làng nghề của tỉnh ở TX Quảng Yên gồm Làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương tại khu 8, phường Phong Hải (hiện có 8 hộ gia đình tham gia sản xuất) và Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, phường Nam Hòa (hiện có 200 hộ gia đình tham gia sản xuất), nước thải sinh hoạt được xử lý qua bể tự hoại sau đó chảy ra môi trường.
Khó khăn nhất vẫn là xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh là 151.296,71m3/ngày đêm; trong đó chỉ có 30.326m3 được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 20,04%.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, như: Khu đô thị mới, các KCN, các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở chung cư, công trình công cộng… tại các khu vực chưa có mạng lưới thu gom xử lý nước thải tập trung bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thoát ra môi trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 địa phương có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, gồm: TP Hạ Long hiện có 7 trạm xử lý nước thải được đưa vào sử dụng với tổng công suất xử lý 16.176m3/ngày đêm, trong khi lượng nước thải là 60.073m3/ngày đêm; TP Móng Cái có trạm xử lý nước thải tập trung công suất 12.000m3/ngày đêm, trong khi lượng nước thải sinh hoạt ở các phường trên địa bàn khoảng 14.038m3/ngày đêm; huyện Vân Đồn có 1 trạm xử lý nước thải với công suất 1.200m3/ngày đêm; huyện Tiên Yên có 1 trạm xử lý nước thải tại thị trấn Tiên Yên với công suất 950m3/ngày đêm. Các thành phố lớn như Cẩm Phả, Uông Bí đến nay chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Mặc dù phần lớn các gia đình ở khu vực thành thị trên địa bàn tỉnh hiện nay đều xây dựng bể tự hoại để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi chảy ra môi trường, các khu đô thị mới đã đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước riêng đưa về trạm xử lý hoặc đấu nối với hệ thống thoát nước thải khu vực… tuy nhiên để xử lý hiệu quả vẫn cần có hệ thống xử lý nước thải tập trung với quy trình đảm bảo.
Chưa kể hiện nay, phần lớn các hộ chăn nuôi trên địa bàn là cơ sở nhỏ lẻ, chiếm 96,7% tổng số cơ sở chăn nuôi và phần lớn nằm xen kẽ trong các khu dân cư; nhiều cơ sở đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas để thu gom nước thải, chất thải chăn nuôi… tuy nhiên quy trình phần nhiều các hộ chưa đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến nước thải ra môi trường.
Hiện nay, các địa phương đều tích cực nâng cấp hệ thống thoát nước chính nhằm giải quyết tình trạng ngập úng; kêu gọi, thu hút đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; vận động nhân dân có biện pháp xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường trước khi đấu nối, xả thải và hệ thống thoát nước chung, yêu cầu xây dựng bể tự hoại 3 ngăn đảm bảo tiêu chuẩn…
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung chưa có nhiều chuyển biến, chưa giám sát được các hộ dân xây dựng bể tự hoại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hay không… Bởi vậy, việc xử lý nước thải sinh hoạt, nhất là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung vẫn rất cần được các địa phương quan tâm, có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới.