Theo thống kê của Sở Văn hoá – Thể thao, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 629 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 8 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 55 di tích cấp quốc gia, 97 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Có 362 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 12 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là kho di sản quý báu mà không dễ tỉnh, thành phố nào có được.
Lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Ninh từ thuở khai cơ lập địa đến nay luôn có sự phát triển và gắn bó chặt chẽ với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Từ thời hậu kỳ đá mới đến giai đoạn đồ kim khí mà đỉnh cao là Văn hoá Đông Sơn cách ngày nay từ khoảng 6.000 năm – 2.000 năm, người Việt cổ ở Quảng Ninh đã có mối quan hệ giao thoa văn hoá với những cộng đồng dân cư ở ven biển Hậu Lộc (Thanh Hoá) tới các vùng châu thổ sông Hồng, xa hơn tới vùng ven biển Hoa Nam của Trung Quốc. Hai trong số những di tích tiêu biểu về nơi sinh sống của người Việt cổ ở Quảng Ninh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đó là di tích núi Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên) và di tích núi Hòn Hai – Cô Tiên (phường Hồng Hải, TP Hạ Long).
Các di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh tới cấp quốc gia, đặc biệt của Quảng Ninh có lịch sử khá phong phú, hoặc gắn bó với những chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (như cụm di tích Chiến thắng Bạch Đằng ở TX Quảng Yên), gắn với lịch sử một triều đại (khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều), với các vị hoàng đế, nhân vật lịch sử (khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô), hay là những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của một giai đoạn lịch sử (chùa Quỳnh Lâm, đình Trà Cổ, đình Quan Lạn, đình Phong Cốc) v.v..
Những năm qua, với sự quan tâm của tỉnh cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các nguồn xã hội hoá mà các di tích, danh thắng của Quảng Ninh đã được đầu tư tôn tạo, có điều kiện phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng, nghiên cứu lịch sử của du khách. Một điều thuận lợi là nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật như đình Trà Cổ, đền Cửa Ông, núi Bài Thơ, Yên Tử… do nằm trong quần thể có cảnh quan đẹp nên việc phát huy giá trị càng ý nghĩa hơn.
Đặc biệt, kho di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số là những tập quán sản xuất, nghề thủ công, văn hoá, ẩm thực, trò chơi dân gian đã được khai thác, phát huy giá trị ngày càng tốt hơn. Các địa phương, nhất là khu vực miền Đông – nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ hàng năm đã tổ chức nhiều ngày hội văn hoá, thể thao các dân tộc, là dịp để quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Việc tổ chức các ngày hội văn hoá, thể thao chính là giải pháp hiệu quả nhất, thiết thực nhất để bảo tồn văn hoá, làm cho văn hoá của đồng bào các dân tộc có sức sống trường tồn.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Sức hấp dẫn của di sản đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Thực tế này đã và đang được chứng minh ở Quảng Ninh.