Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Chẽ chủ động xây dựng, lựa chọn khâu đột phá và triển khai những giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ Vũ Thành Long nhấn mạnh: Bám sát 4 quan điểm, 3 khâu đột phá trong Nghị quyết 17-NQ/TU, Ba Chẽ đã xây dựng, triển khai mạnh mẽ chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nghị quyết, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp gắn với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Trong đó, lấy việc xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Ba Chẽ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Đầu tư cho văn hóa, con người chính là đầu tư cho phát triển bền vững, đây chính là sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Ba Chẽ sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa, con người phù hợp với các định hướng chiến lược, nhất là 3 trụ cột: Thiên nhiên – Con người – Văn hóa, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, ứng xử của người dân địa phương.
Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đang tập trung xây dựng, triển khai quy định về văn hóa văn minh công sở trong các cơ quan Đảng, chính quyền, trong mỗi CBCCVC-NLĐ, hướng đến xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa huyện Ba Chẽ phát triển lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ. Năm 2024, huyện phấn đấu có 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”; 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 97% thôn/khu đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”; thị trấn “Đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Để hoàn thành mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện sâu rộng Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) và các chuẩn mực khác về trách nhiệm ứng xử thân thiện. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, xây dựng môi trường sống Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tuyên truyền trực quan, hệ thống thiết chế văn hóa tại từng địa phương để đông đảo nhân dân biết đến và thực hiện. Cùng với đó, huy động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cùng rà soát, thống nhất hoàn thiện hương ước, quy ước trong thôn, khu phố, nhằm phát huy giá trị văn hoá đặc sắc, tốt đẹp trong cộng đồng, tạo bản sắc riêng có.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, cho biết: Bám sát chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17, nhằm xây dựng giá trị văn hóa, con người huyện Ba Chẽ, xã Đồn Đạc đã và đang duy trì thực hiện mặc trang phục truyền thống dân tộc trong các cơ quan, đơn vị vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần, trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia gìn giữ và phát huy, đặc biệt là khuyến khích thế hệ trẻ tham gia các hoạt động lễ hội, ngày hội, các hoạt động văn hóa truyền thống trên địa bàn, để thế hệ trẻ phát huy, gìn giữ văn hóa truyền thống. Đồn Đạc đã đưa Bộ tiêu chí thôn, khu dân cư văn hoá kiểu mẫu vào thực hiện, lấy đó làm tiêu chí xếp loại, đánh giá thi đua của mỗi khu dân cư trên địa bàn.
Huyện Ba Chẽ tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển văn hóa và con người địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao. Trong năm 2024, huyện thực hiện sửa chữa Nhà văn hóa người Dao thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn) và các hạng mục công trình bãi đỗ xe, đường bê tông, bến thuyền trong sinh hoạt động văn hoá dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải.
Đồng thời, chú trọng bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các di sản văn hóa Ba Chẽ, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng. Huyện tiếp tục nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, chú trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, ngành nghề, trò chơi dân gian, các lễ hội, chợ phiên văn hóa vùng cao.
Trong quý III/2024, huyện sẽ hoàn thành việc đưa các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian vào chương trình giáo dục địa phương và sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trên địa bàn. Từng bước củng cố và nâng cao chất lượng các khu vực có lợi thế để thúc đẩy phát triển du lịch cảnh quan – văn hoá dân tộc đặc sắc, như: Điểm du lịch Miếu ông – Miếu bà – Nhà văn hoá dân tộc Dao gắn với lò gốm cổ xã Nam Sơn; điểm du lịch thác Lang Cang (xã Đồn Đạc); điểm du lịch cảnh quan gắn với di tích đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm); điểm du lịch Hồ 4 xã vùng cao Lương Mông – Chợ phiên văn hoá vùng cao Lương Mông gắn với đình Đồng Chức và khu di tích Khe Lao…