Khai thác, kinh doanh các dịch vụ du lịch dưới chân non thiêng Yên Tử trong hơn 20 năm qua, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã từng bước xây dựng chiến lược phát triển lâu dài gắn với việc gìn giữ các giá trị văn hoá Việt của di sản…
Quá trình đầu tư tại Yên Tử cho tới nay, đơn vị có 2 hạng mục chính, đó là hệ thống cáp treo đưa du khách lên núi tham quan, chiêm bái, lễ phật và quần thể Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm dưới chân núi. Lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, cả hai hạng mục này đều được đơn vị làm theo hướng hài hoà với thiên nhiên, giữ gìn các giá trị và tài nguyên tự nhiên của Yên Tử, vốn cũng chính là tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập tại đây.
Theo đó, quá trình làm cáp treo, đơn vị thi công theo hướng “chậm mà chắc” nhằm giữ tối đa rừng. Vì vậy, từ cáp treo nhìn xuống, du khách chỉ thấy màu xanh của rừng và thấp thoáng những nóc chùa, am tháp cổ kính, trầm mặc. Còn không gian của Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm cũng nằm giữa lòng thung lũng tự nhiên của Yên Tử, xung quanh cơ bản vẫn là rừng núi tự nhiên, được trồng thêm nhiều loại cây khác nhau, xanh tươi bốn mùa.
Quần thể này nhìn về tổng thể rất hoành tráng, nhưng với thiết kế tài hoa, tinh tế khi phân nhỏ ra với các lớp mái xếp chồng lên nhau tạo cảm giác vừa phải, gần gũi ở từng không gian. Các công trình nơi đây đều phảng phất hình ảnh tháp Tổ Huệ Quang – công trình nguyên gốc duy nhất còn lại từ thế kỷ 13 trên núi Yên Tử, với những đường nét đơn giản, mộc mạc mà khoẻ khoắn, cũng thể hiện được tinh thần Thiền của giáo phái Trúc Lâm.
Các dịch vụ nơi đây nằm trong các gói sản phẩm được đơn vị phục vụ du khách tại 2 không gian chính. Trong đó, khu Làng Nương tái hiện lại không gian mang sắc thái vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ các khu nhà nhỏ, chợ quê, đình làng, giếng nước, cây đa, các trò chơi dân gian, hát chèo, quan họ, ẩm thực làng quê, trải nghiệm hội làng với các nét văn hoá bản địa của người Dao, lễ hội hoa đăng cho tới những trải nghiệm khâu nón, gấp hoa, làm chuồn chuồn tre, dập tranh Đông Hồ, bơi thuyền, cưỡi ngựa, đạp xe…
Một hoạt động khá đặc sắc, thu hút du khách ở đây là những “Đêm hội làng”. Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Văn hoá, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tại Yên Tử, cho biết: Các hoạt động của “Đêm hội làng” do đội văn nghệ 40 người là đồng bào Dao trên địa bàn thực hiện. Ban ngày, người già thì đi làm, người trẻ thì đi học, tối lại tham gia biểu diễn với các nghi lễ, tập tục đặc sắc góp phần vừa gìn giữ, bảo tồn vừa quảng bá giá trị văn hoá của đồng bào tới du khách bốn phương.
Không chỉ đêm hội làng, anh Thái cho hay, Công ty đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các sản phẩm làng nghề, mời nghệ nhân về dạy cho người dân địa phương, hoặc bà con khai thác vốn tri thức địa phương tạo thành sản phẩm để phục vụ du khách, như dịch vụ trải nghiệm làm chuồn chuồn tre, nón lá, sáo trúc, mây tre đan, ngâm chân thảo dược… Qua đó giúp tạo việc làm cho hàng trăm người dân Thượng Yên Công sinh sống dưới chân Yên Tử, đồng thời tạo nét văn hoá riêng cho các hoạt động dịch vụ nơi đây.
Bên cạnh đó là khu Legacy Yên Tử – Mgallery với các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cao cấp, sang trọng hơn, như các lớp yoga, thiền, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ bằng dược liệu – Am Tuệ Tĩnh. Tất cả đều kết nối với những trải nghiệm về thiên thiên, văn hoá và lịch sử của Yên Tử vào các mùa trong năm, hướng tới sự cân bằng cả về thân – tâm – trí, theo xu hướng “nhập thế” của thiền Trúc Lâm, đưa các giá trị văn hoá của Phật giáo vào đời sống.
Đáng nói nữa là, đội ngũ nhân lực trực tiếp tiếp xúc với du khách của đơn vị có tỷ lệ khá cao là người dân địa phương, từ lực lượng bảo vệ, lái xe điện, nấu ăn, phục vụ nhà hàng cho tới đội ngũ hướng dẫn viên chuyên sâu. Đơn vị luôn duy trì việc đào tạo và khuyến khích tự đào tạo trong đội ngũ nhân lực với nội dung là những giá trị văn hóa cốt lõi của Yên Tử, giá trị của Thiền phái Trúc Lâm. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc chuyển tải văn hoá của Yên Tử cũng như của người dân bản địa đến với du khách bốn phương.