Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào các dự án liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, nâng tầm giá trị cho nông sản chủ lực cũng như cải thiện thu nhập cho người dân.
Với những ưu điểm như khả năng sinh sản cao, lớn nhanh, thích nghi được với nhiều môi trường khác nhau, sức chống đỡ bệnh tật tốt, thịt thơm ngon… từ lâu lợn Móng Cái đã được hộ chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế. Cũng từ những lợi thế về chăn nuôi và chất lượng thương phẩm, lợn Móng Cái đã được TP Móng Cái phát triển thành sản phẩm chủ lực của địa phương và dần trở thành sản phẩm chủ lực cấp quốc gia.
HTX nông nghiệp hữu cơ An Lộc là một trong những cơ sở quy mô chăn nuôi lợn Móng Cái lớn ở xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX cho biết: Với mục tiêu xây dựng mô hình HTX cung ứng sản phẩm lợn thịt Móng Cái sạch tới tay người tiêu dùng, các thành viên trong HTX đã thiết lập quy trình chăn nuôi theo phương thức hữu cơ kết hợp chăn thả bán tự nhiên ở vườn đồi. Các sản phẩm sử dụng trong chăn nuôi chủ yếu là rau, ngô, chuối kết hợp với cám gạo… Nhờ đó, cho ra thị trường những sản phẩm thịt thương phẩm chất lượng, thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái, hiện trên địa bàn có 3 cơ sở chăn nuôi lợn Móng Cái quy mô lớn, cùng với đó là hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ với tổng quy mô đàn lợn trên địa bàn duy trì khoảng 2.000-3.000 con. Để phát triển đàn lợn Móng Cái theo hướng gia tăng giá trị, thành phố đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết lợn ỉ Móng Cái, từ khâu con giống đến chế biến, tiêu thụ. Hiện, địa phương đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước, cũng như quốc tế. Thành phố đặt mục tiêu trong những năm tới, lợn Móng Cái sẽ được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, trở thành thế mạnh của Quảng Ninh.
Gà Tiên Yên là sản phẩm chủ lực của huyện Tiên Yên và của tỉnh Quảng Ninh. Với những thế mạnh về giá trị kinh tế, những năm qua, huyện Tiên Yên tích cực vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Huyện chú trọng xây dựng mô hình HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên, nhằm nâng cao ý thức của người dân từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý trang trại đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên theo quy mô lớn.
Là một trong những hộ nuôi gà Tiên Yên có quy mô lớn trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Điệp, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên luôn chú trọng khâu chăn nuôi đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường những con gà ngon, thơm thịt, da giòn, theo đúng thương hiệu vốn có của gà Tiên Yên. Quá trình nuôi, ngoài việc tuân thủ theo quy định chặt chẽ từ khâu chọn giống, tiêm phòng, gia đình ông cũng chú trọng đến môi trường chăn thả và hạn chế tối đa thức ăn công nghiệp, thay vào đó là ngô, lúa, rau.
Hiện toàn huyện Tiên Yên có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô tập trung, 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên quy mô đạt 1,2 triệu con giống/năm. Bước đầu một số cơ sở sản xuất đã phát triển theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thời gian qua, huyện cũng đang phối hợp với các đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học về bảo tồn giống gà Tiên Yên, đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chế biến sâu, bổ sung thảo dược trong chăn nuôi nhằm nâng chất lượng gà Tiên Yên; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho các đàn gà.