Những năm qua Hội Nông dân (HND) tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình dân vận khéo trong cán bộ, hội viên, đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào thực chất và khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Xã Quảng Long (huyện Hải Hà) có 550ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 25ha trồng rau. Trước đây, do người dân sản xuất theo lối truyền thống để phục vụ gia đình và bán lẻ tại các chợ trên địa bàn, nên thu nhập không cao, dẫn đến nhiều diện tích bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, năm 2023 HND xã Quảng Long đã tuyên truyền, vận động hội viên liên kết thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng rau, nhằm phát triển chuỗi cung ứng rau bền vững ra thị trường, ổn định về đầu ra, nâng cao giá thành, tối ưu hóa lợi nhuận và hướng tới việc tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm. Bước đầu, hội chọn thôn 1 làm thí điểm với 9 hộ tham gia, diện tích trồng là 3,1ha. Sau đó, tổ chức hướng dẫn các thành viên lựa chọn những giống rau chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng 2 nhà lưới, tổng diện tích 6.600m2, lắp đặt hệ thống phun tưới và bón phân tự động.
Nhờ hạn chế được những ảnh hưởng từ yếu tố môi trường, thời tiết và sự gây hại của sâu bệnh, nên năng suất, chất lượng rau của Tổ hội nghề nghiệp trồng rau đạt cao hơn so với trồng theo lối truyền thống. Bình quân mỗi tháng, tổ cung cấp cho KCN Cảng biển Hải Hà 4-5 tấn rau các loại, thu trên 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, cao gấp 2-3 lần so với trước.
Xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) có 97% dân số là người DTTS, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, năm 2023 HND xã đã triển khai nhân rộng mô hình “Khéo vận động nông dân trồng và sản xuất ớt chào mào”. Đây là giống ớt bản địa, quả bé hơn đầu đũa, nhưng ăn giòn, cay dịu, không nóng, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Đến nay, đã có 6 hộ dân ở các thôn Phài Giác, Khe Lặc, Khe Ngàn, Khe Lục tham gia trồng và sản xuất ớt chào mào với tổng diện tích 1,1ha, sản lượng bình quân đạt 1,2 tấn ớt/năm. Sản phẩm ớt chào mào của xã hiện đã được công nhận đạt OCOP 3 sao và được bán với giá 120.000 đồng/kg tươi, 50.000 đồng/lọ ngâm 350g. Mô hình này đã mang lại thu nhập 400-500 triệu đồng/năm cho người dân trong xã.
Năm 2024, HND xã Đại Dực tiếp tục vận động hội viên chuyển đổi 2ha trồng cây màu truyền thống kém hiệu quả sang trồng ớt chào mào, nâng tổng diện tích trồng ớt của xã lên hơn 3ha, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, đưa Đại Dực sớm về đích NTM nâng cao.
Tại TX Đông Triều – vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, từ năm 2020 đến nay HND xã Bình Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên đổi mới cơ cấu cây trồng, liên kết phát triển vụ đông, tăng hệ số vòng quay của đất lên 2,5-2,8 lần/năm. Nhờ đó, vụ đông năm 2023, toàn xã có 300 hộ trồng khoai tây Atlantic với tổng diện tích 135ha, chiếm 67,5% trong diện tích trồng cây vụ đông và tăng hơn 13 lần so với năm 2013.
Do áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, năng suất khoai tây đạt 7-8 tạ/sào, tương đương 17-18 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt đến 1,1 tấn/sào. Với giá thu mua 6.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào khoai tây cho lợi nhuận 2,5-3 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Năm 2023, trị giá thu hoạch vùng khoai tây của xã Bình Dương đạt hơn 11 tỷ đồng. Từ mô hình dân vận khéo của HND xã, nhiều hộ có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm nhờ trồng luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ khoai tây.
Các mô hình dân vận khéo của HND các cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện để hội viên, nông dân tiếp cận, ứng dụng KHKT, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từ đó tăng thu nhập bền vững, góp phần phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.