Sáng 12/4, tại TP Hạ Long, Trung tâm Minh Triết thơ Đường Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học “Thơ Đường luật thời nhà Lê”.
Theo các nhà nghiên cứu, triều đại Lê Sơ và kế tiếp là Lê Trung Hưng kéo dài tới 361 năm, từ 1428 đến 1789 là thời kỳ mà chế độ quân chủ tập quyền vươn tới đỉnh cao của sự phát triển, kéo theo sự đổi mới của nền chính trị, kinh tế, văn hoá độc lập tự chủ lên đến cực thịnh. Nhất là vào thời Lê Thánh Tông, nhà nước quân chủ đã sử dụng văn thơ giáo dưỡng để đào tạo nên những nhân tài gìn giữ và xây dựng đất nước.
Lực lượng sáng tác thời Lê sơ khá hùng hậu mà tập trung nhất trong Tao đàn Nhị thập bát tú đã để lại thành tựu sáng tác rất lớn, dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học thời phong kiến của Việt Nam. Các thể loại văn học chính thời kỳ này gồm thơ, phú, chiếu, biểu, văn bia, truyện ký, cáo, chính luận.
Riêng với thơ Đường luật thời nhà Lê đã đạt được nhiều thành tựu, trở thành di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông trong một chuyến kinh lý duyệt quân ở biển An Bang, tức Quảng Ninh ngày nay, đã để lại cho vùng đất này một bài thơ khắc lên vách đá có thể coi như một tuyên ngôn độc lập bằng thơ. Bài Thơ cũng từ đó trở thành danh xưng cho một ngọn núi ở Quảng Ninh, là cơ sở cho sự ra đời Ngày thơ Quảng Ninh sau này.
Hội thảo đã thu hút 50 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà thơ dành nhiều công sức tìm hiểu, khai thác các giá trị văn hóa thơ Đường luật. Một số bài viết công phu, nghiêm túc về nhiều vấn đề thể hiện cái nhìn mới mẻ sâu sắc, nhiều chiều và có ý nghĩa cho những hoạt động văn hoá hôm nay và mai sau.
Hội thảo một lần nữa minh chứng nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông ta góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong nhân dân.