Mê mẩn Iceland, nhiếp ảnh gia Việt chi 160 triệu cho 11 ngày ngắm nhìn cực quang, sông băng và thiên nhiên kỳ thú nơi đây.
Nhiếp ảnh gia Ngô Văn Điệp (Diep Van), 40 tuổi, sống ở Hà Nội, nhen nhóm kế hoạch cho chuyến đi tới Iceland từ tháng 11/2019 sau khi thắng giải cuộc thi ảnh của tạp chí AFAR. Phần thưởng cuộc thi là vé máy bay khứ hồi tới bất kỳ điểm đến quốc tế nào. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến anh phải tạm gác hành trình này tới gần 5 năm sau.
Tháng 3, anh quyết định thực hiện ước mơ tới Iceland để tận mắt chứng kiến cực quang và xem núi lửa hoạt động trong hành trình 11 ngày. Thời điểm này cũng cuối đông ở Iceland nên có thể tránh các trận bão tuyết.
Anh Điệp cùng những người bạn thuê xe tự lái, chạy theo lộ trình phía nam và một phần phía tây của Iceland. Với lộ trình này, anh có cơ hội ghé thăm các địa điểm nổi tiếng ở nam và tây Iceland như bờ biển Valahnukamol, nhà thờ Hvalsneskirkja, săn bắc cực quang ở Hafnarfjordur, Skalholt. Tuy vậy, du khách Việt vẫn bỏ lỡ một số địa điểm do thời tiết, chỉ có thể tiếp cận bằng xe trượt tuyết.
Trong ảnh là nhiếp ảnh gia Điệp, chụp tại cầu Kolgrafafjordur ở bán đảo Snaefellsnes phía tây Iceland.
Bức ảnh này là một trong hai khoảnh khắc anh Điệp ưng ý nhất hành trình, chụp ở đồi Kirkjufell. Chủ thể chính là ngọn đồi, được bao quanh bởi ánh sáng cực quang tạo nên khung cảnh không thể quên với nhiếp ảnh gia Việt.
Đồi Kirkjufell – ngọn đồi được chụp ảnh nhiều nhất Iceland, thuộc bán đảo Snaefellsnes, cao 463 m so với mực nước biển. Iceland Travel, đơn vị landtour thành lập từ năm 1963, cho biết đi qua Kirkjufell nhưng không chụp ảnh thực sự là “thử thách”. Ngọn đồi này cũng được làm bối cảnh trong Games of Thrones.
Cực quang là những chùm sáng hình vòng cung luôn chuyển động với nhiều màu sắc trên nền trời vào ban đêm. Khu vực bắc và nam bán cầu là những nơi dễ quan sát cực quang, tên gọi cũng theo bán cầu – bắc cực quang, nam cực quang. Hiện tượng xảy ra do sự va chạm của các hạt trong gió mặt trời và khí trong bầu khí quyển. Cực quang là “đặc sản” của Iceland, thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 4, thời điểm hoàn hảo nhất từ tháng 10 đến tháng 2.
Nhiều đêm liên tục “săn” bắc cực quang từ 21h đến 3h sáng hôm sau, trong nhiệt độ -3 đến -5 độ C, “chân tay mất cảm giác” nhưng Nhiếp ảnh gia Việt chia sẻ chuyến săn bắc cực quang lần này “khá thành công”.
Trước đó, Anh Điệp nghiên cứu môi trường các điểm đến qua Google Earth. Các vấn đề anh lưu tâm là khu vực có nhà dân không, ảnh hưởng ánh sáng, sông, hồ hay thác, núi hướng về phía bắc ra sao vì phía này thường xuất hiện bắc cực quang. Ngoài ra, anh cũng chuẩn bị thêm các ứng dụng về thời tiết, dự báo bắc cực quang vì mây là yếu tố quan trọng quyết định có quan sát được cực quang.
Đêm săn cực quang ở bán đảo Snaefellsnes để lại cảm xúc khó quên với anh Điệp. Nhiếp ảnh gia ví ánh sáng cực quang như vũ điệu ba lê trên nền trời. Các chỉ số hôm đó chỉ ra bắc bán đảo có mây 70%, nam bán đảo là 40%. Ban đầu, anh lái xe đến nam bán đảo, khu vực nhà thờ đen Budir nhưng tới 20h vẫn thấy nhiều mây. Vì thế, nhiếp ảnh gia chuyển hướng đến Kirkjufell phía bắc bán đảo.
“Mây thưa dần và những vệt sáng bắt đầu nhảy múa trên bầu trời từ khoảng 22h”, anh nói và cho biết đã ở đây tới 2h mới thu máy về khách sạn.
Theo nhiếp ảnh gia, bức ảnh bắc cực quang đẹp đòi hỏi vị trí chụp không bị ô nhiễm ánh sáng từ đèn điện, có chủ thể đẹp, làm chủ việc điều chỉnh thông số máy ảnh và một chân máy tốt để không bị rung vì gió.
Ngoài cực quang, anh cũng thích Iceland vì sở hữu cảnh quan ngoạn mục, được mệnh danh “xứ băng lửa”. Cách làm du lịch trách nhiệm của người Iceland cũng khiến anh thêm khao khát đặt chân tới đây.
Trong ảnh là một phần hạ lưu sông băng Fjallsarlon trước khi đổ ra biển. Nhiếp ảnh gia đặt tên bức này là “mạch băng” vì những họa tiết trông giống mạch máu của dòng nước. Ngoài ra, bức ảnh cũng tổng hòa nhiều yếu tố khác với màu đen của đất, cát do núi lửa, mảng xanh thực vật đánh dấu mùa đông sắp qua.
Góc nhìn rộng hơn về sông băng Fjallsarlon – một trong hai sông băng nổi tiếng nhất Iceland, bên cạnh Jokulsarlon. Đây là điểm đến được nhiều trang du lịch Iceland gợi ý vì ít khách, dễ dàng ngắm nhìn khung cảnh, chụp ảnh những tảng băng trôi.
Cầu Kolgrafafjordur trông như thanh kiếm của người Viking ở bán đảo Snaefellsnes. Con đường này được xây dựng để vinh danh những chiến binh Bắc Âu chuyên sử dụng kiếm trong quá khứ.
Trong ảnh là Dyrholaey, lối đi bộ dài khoảng 120 m mang đến tầm nhìn ngoạn mục ra bờ biển phía nam Iceland. Điểm nhấn chính là Dyrholaey – vòm đá được tạo thành do sự xói mòn trong nhiều thế kỷ.
Tại đây, anh Điệp thấy một du khách cố tình bước vào khu đất được rào dây thừng để chụp ảnh hoàng hôn. Ngay lúc đó, một nữ bảo vệ khu vực đã huýt sáo, giải thích đây là nơi sống của một số loài thực vật đặc hữu của vùng gần Bắc Cực. Iceland không đánh đổi du lịch đại chúng để gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tương lai.
“Hành động đó khiến tôi càng khâm phục hơn cách Iceland làm du lịch bền vững”, anh nói.
Nhà thờ Công giáo Skalhot nổi bật với màu trắng, bên cạnh là ngôi nhà tái hiện hình dáng của các tòa nhà của cộng đồng từng xuất hiện trong quá khứ.
Một căn nhà tạm dành cho thợ săn ở bán đảo Snaefellsnes.
Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa ở núi Vestrahorn nổi tiếng. Theo trang Visit Vatnajokull, ngọn núi là điểm dừng chân yêu thích của những người tìm kiếm vẻ đẹp yên bình vùng nông thôn.
Trong chuyến đi này, nhiếp ảnh gia cảm nhận rõ lý do Iceland mang danh “xứ sở băng lửa”. Anh vẫn tiếc nuối vì bốn ngày sau khi anh rời Iceland, núi lửa mới hoạt động. Dù vậy, khi lái xe trên đường ở Keflavik hay Skalholt, du khách Việt chia sẻ vẫn ngửi rõ mùi lưu huỳnh xộc vào mũi.
“Tôi hài lòng về chuyến đi nhưng chưa đủ thỏa mãn, còn muốn quay lại vào dịp hè để khám phá thêm vùng cao nguyên”, anh nói và cho biết chi khoảng 160 triệu đồng cho toàn bộ chuyến đi.