Từ lâu, các chợ phiên nức tiếng ở vùng cao phía Bắc nước ta như Mèo Vạc, Bắc Hà đã được du khách tìm tới để trải nghiệm không khí chợ phiên, sắc màu thổ cẩm rực rỡ, mang nét riêng của bà con dân tộc… Chợ phiên cũng là sản phẩm du lịch đang được các địa phương vùng cao của tỉnh tái hiện, từng bước thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Không chỉ trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi hội tụ, gặp gỡ và giao lưu của đồng bào các dân tộc. Bởi thế, vào mỗi buổi chợ phiên, khi mặt trời còn chưa ló rạng, từ trẻ cho đến người già khắp mường trên bản dưới xúng xính trang phục sặc sỡ, náo nức xuống chợ.
Tới chợ có đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, nam, nữ thanh niên… Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam, nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn, tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu…
“Không chỉ náo nhiệt, phong phú sản vật, mỗi chợ phiên lại có vẻ đẹp riêng, chất riêng, níu chân khách phương xa. Đây là điều để lại ấn tượng, gợi sự tò mò cho du khách” – ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long), nhận định.
Vì thế, nhiều địa phương như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên… đã phát triển các sản phẩm này. Điểm đến đầu tiên là Ba Chẽ với chợ phiên xã Đạp Thanh (thôn Bắc Xa), nơi đông đảo bà con dân tộc trong vùng và cả vùng Bắc Giang, Lạng Sơn kề cận. Chợ được họp 10 ngày hoặc tháng/lần, trở thành ngày hội của người dân quanh vùng. Chợ có đầy đủ các loại nông, lâm sản, các sản phẩm dược liệu, các gian hàng ẩm thực đặc trưng. Tới đây, du khách còn được trải nghiệm cầu treo Bắc Xa, đi bè mảng, câu cá trên sông…
Một sản phẩm mang đậm sắc màu chợ phiên vùng cao là chợ phiên văn hóa xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ). Chợ phiên này phong phú sản vật núi rừng, có nét đẹp trang phục, sự chân chất của bà con các dân tộc. Tới chợ phiên thị tứ này, du khách được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm, những cô gái Dao xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ; xem nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, hòa vào những trò chơi dân gian, văn nghệ, hát giao duyên, dân ca… Góc đặc sắc không thể thiếu là khu ẩm thực đặc trưng Lương Mông. Thật thú vị khi được thưởng thức thịt trâu khô nấu bỗng, đầu lợn hấp bia, thịt chó 1 bát, dê núi và các loại bánh… trong không khí se lạnh, bảng lảng sương mờ của thị tứ vùng cao.
Rời Ba Chẽ, ngược về Đầm Hà, du khách đến với phiên chợ vùng cao Ba Nhất (xã Quảng An) thưởng thức làn điệu Sán Cố ngọt ngào. Đến đây, khách phương xa không chỉ được thưởng thức ẩm thực núi rừng với món gà bản, lợn bản, nộm chuối rừng, khoai sọ nương mà còn được đắm mình trong các làn điệu rộn ràng. Thời gian tới, chợ phiên sẽ được tổ chức 1 lần/tháng, vào Chủ nhật của tuần thứ 2 với tên gọi “Chợ phiên vùng cao miền Sán Cố”.
Xuôi về Tiên Yên, một trong những sản phẩm lâu đời là chợ phiên xã Hà Lâu trên 60 năm tuổi. Ngoài lâm sản phong phú, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi cầu lông gà, ấp trứng, ném Pao, ném còn, sái mả, chèo mảng trên sông…; xem các cô gái Sán Chỉ và Dao thi đấu bóng đá nữ… Chợ phiên truyền thống là ngày hội thực sự của người Dao, nơi tái hiện các làn điệu dân gian, lễ cấp sắc, nghi thức rước dâu trong đám cưới của người Dao; trưng bày tranh thờ, trình diễn thêu thổ cẩm…
Có thể thấy, các địa phương đã nỗ lực lựa chọn, tổ chức và phát triển sản phẩm từ các chợ phiên lâu năm của bà con. Nhiều chợ phiên bước đầu đã tạo được nét riêng từ việc gắn kết đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc, không gian vui chơi có tính mở, khu ẩm thực đặc sắc…
Tuy nhiên, nhiều phiên chợ ở vùng cao, xa xôi, đi lại khó khăn, thiếu các điểm đến khác để kết nối, dẫn tới sự đơn điệu sau khi trải nghiệm chợ phiên. Nhiều chợ phiên vẫn theo một mô típ chung, mang tính sân khấu hóa, biểu diễn, chưa tạo được sự sôi động, không khí tự nhiên để khi ra về đọng lại trong du khách là ấn tượng về một phiên chợ tấp nập, đậm sắc màu từ trang phục, nét văn hóa, sự chân chất trong mua bán hay từ chính tiếng khèn, nụ cười cô giáo người Dao khi xuống chợ phiên…