Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 187 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 14,43 tỷ USD. Trong đó, có 127 dự án thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,2 tỷ USD, 60 dự án thực hiện ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đạt 6,23 tỷ USD. Lũy kế tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đạt khoảng 7,8 tỷ USD, bằng 54,1% vốn đầu tư đăng ký.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Quảng Ninh đứng thứ 3 trên cả nước về thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài mang tính đa chiều và phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị, kinh tế thế giới.
Giai đoạn 2021 – 2030, nhu cầu thu hút vốn đầu tư FDI trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt là 28,6 tỷ USD (giai đoạn 2021-2025: 5,9 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030: 22,7 tỷ USD). Trong khi đó, kết quả thu hút FDI giai đoạn 2021-2023 đã đạt được là 6,9 tỷ USD (trong đó từng năm: 2021: 1,3 tỷ USD; 2022: 2,45 tỷ USD; 2023: 3,15 tỷ USD). Như vậy, nhu cầu còn lại từ năm 2024 đến hết năm 2030 là 21,7 tỷ USD. Để đảm bảo nhu cầu này, bình quân mỗi năm Quảng Ninh cần thu hút 3,1 tỷ USD. Riêng năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thống nhất đặt ra mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,5 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách (trong nước) đạt 61,5 nghìn tỷ đồng.
Trong thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh có nhiều thuận lợi bởi có vị trí địa chính trị chiến lược trong kết nối vùng khu vực đồng bằng Bắc bộ và là cửa ngõ giữa ASEAN với Trung Quốc. Tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, kinh tế – xã hội phát triển. Tỉnh cũng được đánh giá là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh “Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững”, chỉ số PCI đứng đầu cả nước; là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, không gian phát triển. Cùng với đó, quy hoạch tỉnh và quy hoạch các địa phương đang được lập, điều chỉnh, phê duyệt cùng với quy hoạch tỉnh sẽ mở ra không gian phát triển, dự báo thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, nhất là các ngành, lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, kinh tế biển… Quảng Ninh hiện là tỉnh có diện tích quy hoạch KCN – KKT lớn nhất cả nước, với 3 KKT cửa khẩu và 02 KKT ven biển là Vân Đồn và Quảng Yên. Đồng thời cũng là tỉnh có nhiều địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư như các Khu kinh tế và địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, mặt bằng sạch và hạ tầng kỹ thuật các KCN đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Mặt khác, Quảng Ninh có lực lượng lao động trẻ, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao (85%) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt tới 36,7%, đứng thứ 3 của cả nước và chỉ sau Hà Nội ở vùng Đồng bằng Sông Hồng. Quảng Ninh là một trong những Trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, các dự án phát triển các nguồn năng lượng “xanh” hơn như điện khí LNG, điện gió và điện sinh khối đã và đang triển khai nghiên cứu và đầu tư, sẽ tạo ra nguồn điện năng lớn đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ đảm bảo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư (trong và ngoài KCN); đảm bảo khả năng cung cấp điện cho các doanh nghiệp, khu nhà ở cho công nhân; khẩn trương có các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ công từ đó đi kèm nhóm giải pháp về giảm chi phí; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.
Về dài hạn, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp về đổi mới xúc tiến đầu tư; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư một cách đồng bộ, liên thông giữa các lĩnh vực. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, thực hiện các giải pháp về mặt bằng sản xuất; xây dựng “môi trường đầu tư 4.0 phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; đảm bảo nguồn lao động cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, tỉnh sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI; nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN.