Quảng Ninh có 118,825km đường biên giới trên đất liền và 67,740km đường biên giới trên biển. Để phát huy lợi thế vị trí địa lý của tỉnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách, huy động các nguồn lực hướng về biên giới, khu vực biên giới.
Tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư làm động lực phát triển KT-XH, như: Quy hoạch các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, hệ thống giao thông, thủy lợi phù hợp với đặc điểm của địa phương; phát huy thế mạnh về cảnh quan, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ…
Điển hình là việc đầu tư, nâng cấp nhiều công trình, như: Đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng; xây dựng hệ thống kè bảo vệ sông, suối biên giới, cầu, cống, ngầm tràn và bê tông hóa đường giao thông nông thôn; đưa điện lưới ra Đảo Trần… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế biên mậu, dịch vụ, kết hợp với quản lý, bảo vệ biên giới.
Không chỉ vậy, tỉnh cũng luôn chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố biên giới, biển đảo vững chắc. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, BĐBP thực hiện tốt quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; tập trung chỉ đạo nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…
Về phía các cấp, các ngành luôn tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ tự cấp, tự túc truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Các mô hình sản xuất mới được các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng và nhân rộng. Chương trình “Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tích cực. Hoạt động thương mại và dịch vụ trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế các xã biên giới, biển đảo.
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên ủng hộ vật chất, tinh thần cho địa bàn biên giới. Đã có hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tham gia giúp đỡ các xã biên giới còn khó khăn trên địa bàn tỉnh, các đồn biên phòng, với số tiền hàng trăm tỷ đồng; xây dựng hàng trăm công trình phúc lợi phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân, tu sửa doanh trại BĐBP…
MTTQ tỉnh đã chủ trì vận động các cơ quan, doanh nghiệp kết nghĩa, đỡ đầu các đơn vị BĐBP. Đến nay, đã có 17 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa với các đơn vị cơ sở BĐBP trên biên giới, hải đảo. Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức trên 200 cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các đơn vị BĐBP tỉnh để củng cố doanh trại, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác và sinh hoạt.
Các chính sách đầu tư từ nguồn vốn NSNN, chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các cấp, ngành, địa phương và nhân dân tham gia ủng hộ, đỡ đầu, trợ giúp các xã khó khăn, xã biên giới luôn được quan tâm, chú trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM được đông đảo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực.
Hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh nói chung, khu vực biên giới, biển đảo nói riêng luôn được quan tâm xây dựng, củng cố. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 95 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 6.670 lượt cán bộ, công chức, viên chức khu vực biên giới; mở 11 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 1.230 đại biểu là các chức sắc tôn giáo, trưởng bản, trưởng họ tộc, người có uy tín.
Đồng thời, các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh luôn quan tâm bố trí luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực chuyên môn tăng cường về cơ sở, nhất là các địa phương biên giới, hải đảo. Đội ngũ cán bộ tăng cường về cơ sở và tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã… luôn phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị cơ sở gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới.
Từ việc huy động các nguồn lực, diện mạo kinh tế, văn hoá, xã hội các xã biên giới, biển đảo của Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi. 100% xã, thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 100% hộ dân tại các thôn, bản biên giới được sử dụng điện lưới quốc gia, có đủ nước sinh hoạt. Chất lượng dạy và học được nâng lên. Công tác thăm khám, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Đời sống KT-XH của người dân vùng biên giới ngày càng được nâng cao.