Vùng đất Ba Chẽ có 14 thành phần DTTS cùng sinh sống đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu vùng biên viễn. Sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS ở Ba Chẽ đã tạo nên nét độc đáo trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống để phát triển du lịch.
Những năm qua, trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa, nhất là việc duy trì mặc trang phục truyền thống trong đời sống thường nhật, huyện Ba Chẽ đã có những cách làm sáng tạo vừa mang tính tiện ích nhưng vẫn mang ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa. Nhằm bảo tồn và giữ gìn nét đẹp của các tộc người trên địa bàn huyện, Phòng GD&ĐT huyện duy trì tổ chức cho các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào buổi chào cờ thứ 2 hằng tuần và mặc vào các ngày lễ lớn, lễ kỷ niệm; tổ chức thi trình diễn trang phục dân tộc, thi gói bánh coóc mò, bánh gù, đẩy gậy, kéo co, tung còn; tổ chức phiên chợ vùng cao thu hút đông đảo giáo viên, học sinh các trường tham gia. Theo cô giáo Bằng Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ, nhà trường có trên 300 học sinh, trong đó chỉ có 10 em dân tộc Kinh. Xuất phát từ thực tế đó, nhà trường đặc biệt quan tâm hơn đến việc giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống; tạo cơ hội cho các em được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình nhiều hơn. Từ đó giúp em sẽ tự hào hơn về trang phục của mình, tự hào về dân tộc mình. Bởi lẽ, trải qua quá trình phát triển của lịch sử, mỗi dân tộc đã tạo cho mình một bản sắc riêng, góp phần tạo nên nền văn hóa đa sắc của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, những năm qua, cùng với việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống huyện Ba Chẽ đã chú trọng công tác bảo tồn trang phục dân tộc, nghề dệt truyền thống, tổ chức nhiều lớp trao truyền kỹ năng, kỹ thuật may, thêu, ghép vải trong cộng đồng; sưu tầm và số hóa mẫu hoa văn trang phục truyền thống để khai thác phát triển di sản với phát triển du lịch của địa phương; tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng như biểu diễn văn nghệ dân gian, trình diễn trang phục dân tộc, hoạt động lễ hội… nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để đồng bào có điều kiện, cơ hội phát huy nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, các hội viên Hội Phụ nữ huyện đã năng động, sáng tạo ra nhiều sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch từ chất liệu hoa văn, y phục dân tộc; thành lập các câu lạc bộ may, thêu, giữ gìn trang phục truyền thống.
Giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc là nhiệm vụ quan trọng được huyện Ba Chẽ quan tâm triển khai nhằm hạn chế tối đa việc đánh mất trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào trong xu thế hiện nay. “Bên cạnh thực hiện bảo tồn giá trị văn hóa về trang phục của các dân tộc địa phương thông qua công tác phục dựng, ứng dụng trong đời sống; huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng để người dân nâng cao ý thức trong việc tôn vinh giá trị văn hóa từ các trang phục truyền thống” – Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, nhấn mạnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng vận động người dân duy trì mặc trang phục truyền thống, nhất là trong các dịp lễ hội của các tộc người; phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến công tác nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn nguyên bản nét đẹp truyền thống của các bộ trang phục dân tộc…