Tình trạng sử dụng hình ảnh, nội dung có tính chất bạo lực với mật độ dày đặc, gây phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục trong một số sản phẩm văn hóa, đặc biệt là các MV ca nhạc, phim ảnh… nhằm câu khách, chiều theo thị hiếu dễ dãi của một nhóm đối tượng công chúng trong thời gian gần đây đang đặt ra những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng.
Ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và lạm dụng câu khách đang bị xóa mờ. Từ đây đòi hỏi cần đặt ra trách nhiệm của người làm nghệ thuật cũng như cần có các chế tài mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng đáng báo động này.
Trong lĩnh vực điện ảnh, sự trở lại của một series phim từng gây tiếng vang trước đây đang vấp phải nhiều tranh cãi vì xuất hiện không ít hình ảnh bạo lực. Các phân cảnh rượt đuổi, đâm chém, đánh nhau trong một bộ phim có chủ đề về tội phạm là cần thiết để thể hiện phần nào nội dung bộ phim muốn chuyển tải nhưng cần tính toán, tiết chế mức độ cũng như tần suất của các phân cảnh này một cách cẩn trọng. Tuy nhiên ngay từ những tập đầu của bộ phim các hình ảnh bạo lực xuất hiện khá dày đặc và thô bạo. Đặc biệt, ở phân cảnh trả thù, trút giận lên một cô gái bằng các hành động gây ám ảnh, thậm chí còn xâm hại tình dục… Ở những tập tiếp theo, khán giả cũng không khỏi e ngại về tần suất các cảnh ăn chơi, sử dụng ma túy, trả thù lẫn nhau… Đáng nói, bộ phim được xuất hiện trên khung giờ vàng, thời điểm nhiều khán giả theo dõi nhất, như vậy trong số khán giả của phim có cả trẻ em. Trước đây, bộ phim Bụi đời chợ lớn của đạo diễn Charlie Nguyễn từng bị cấm chiếu được dư luận đồng tình, ủng hộ. Theo Hội đồng thẩm định, bộ phim phản ánh sai lệch hiện thực cuộc sống tại Thành phố Hồ Chí Minh với các băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán lẫn nhau một cách bạo liệt. Tương tự, phim Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy cũng bị từ chối cấp phép phát hành bởi nội dung phơi bày một xã hội đen tối, bế tắc với sự xuất hiện của các băng nhóm, đâm chém, giết người không ghê tay.
Không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, tình trạng lạm dụng yếu tố bạo lực trong các MV âm nhạc cũng đang có xu hướng ngày càng phổ biến, thậm chí có phần thô thiển, phản cảm hơn. Như MV Ngôi sao cô đơn của Jack (Trịnh Trần Phương Tuấn) có nhiều hình ảnh cổ xúy cho hành vi bạo lực. MV mô tả một thanh niên trẻ tuổi ngang nhiên trộm cắp, đánh nhau bằng hung khí, phá hoại tài sản của người khác. Nhân vật này thậm chí còn sử dụng bình xịt hơi cay giữa đường phố và thách thức chính quyền khi cầm súng chống trả lực lượng công an. Thời điểm xuất hiện nhiều vụ tự tử ở tuổi vị thành niên, một số MV đã “nhạy bén” đưa hình ảnh cảnh tự sát, khiến các bậc phụ huynh vô cùng bức xúc. Các MV trên đều bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoặc hạn chế phát hành trên các nền tảng trực tuyến nhưng do đã xuất hiện trên mạng nên những hệ lụy của chúng tới tâm lý, hành vi của giới trẻ là rất khó lường.
Hình ảnh bạo lực tràn lan trên phim ảnh, các MV ca nhạc, lan truyền nhanh chóng trên nền tảng trực tuyến gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người xem. Theo các chuyên gia tâm lý, một người nếu xem quá nhiều phim có yếu tố bạo lực thì sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức, cảm xúc, hành vi. Đặc biệt với trẻ em, nhân cách đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, các em thường có tâm lý thích học và bắt chước theo những gì được nghe, được xem trong các MV, phim chiếu mạng, nhất là khi có sự xuất hiện những người mà các em coi là “thần tượng”, bất chấp đó có thể là những hành vi phản văn hóa, vi phạm pháp luật. Theo một nghiên cứu kéo dài bốn năm của Caroline Fitzpatrick, trợ lý Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sainte-Anne (Canada), trẻ em tiếp xúc nhiều với phim ảnh, trò chơi điện tử bạo lực sẽ có tâm lý chống đối xã hội nhiều hơn. Các hành vi biểu hiện bao gồm: nói dối, thiếu ăn năn, thiếu đồng cảm và thao túng người khác. Tương tự, Học viện Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên Mỹ (AACAP) chỉ ra rằng trẻ em có thể chấp nhận bạo lực như một cách giải quyết vấn đề và bắt chước hành vi trên màn ảnh.
Tình trạng lạm dụng yếu tố bạo lực trong các sản phẩm nghệ thuật hiện nay có nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhà sản xuất muốn tăng lượng xem, từ đó tăng doanh thu cho sản phẩm. Đây cũng là thực trạng mà nhiều nền điện ảnh, âm nhạc châu Á đang phải đối diện. Tại Hàn Quốc, trong 286 phim, kể cả phim hoạt hình được phân loại hồi tháng 10 năm 2022, đã có 121 phim phải cân nhắc vì yếu tố bạo lực. The Roundup (được dán nhãn 15) với quá nhiều cảnh bạo lực, máu me, rùng rợn nhưng lại là hiện tượng phòng vé Hàn Quốc năm 2022 khi có hơn 10 triệu vé xem phim được bán chỉ trong 25 ngày phát hành. Nhiều phim Hàn Quốc dán nhãn phân loại 18 (dành cho những khán giả trên 18 tuổi) vẫn bị chỉ trích nặng nề vì mức độ bạo lực… Một nguyên nhân khác dẫn đến việc lạm dụng yếu tố bạo lực trong các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc là bởi đây là cách dễ dàng và đơn giản hơn để tạo cao trào hay mô tả sự bùng nổ xung đột. Các diễn viên cũng dễ thể hiện sự sợ hãi hoặc tức giận hơn là bộc lộ những nét cảm xúc tinh tế nội tâm. Do đó một số nhà sản xuất đã lựa chọn cách làm này, bất chấp những hệ lụy có thể gây ra cho xã hội.
Hiện nay, các nhà sản xuất, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc của Việt Nam đang nỗ lực có những sản phẩm tốt, từng bước khẳng định và tìm được chỗ đứng trên trường quốc tế, từ đó góp phần tôn vinh “thương hiệu Việt”, “văn hóa Việt”. Chúng ta có lợi thế trong việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thế giới, tránh những hạn chế, sai lầm của các nền công nghiệp giải trí đã phát triển. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là vẫn tồn tại một bộ phận những người làm nghệ thuật Việt Nam hiện nay chỉ đang chạy theo, “bắt chước” những biểu hiện bề nổi, những cách làm nghệ thuật dễ dãi, khai thác quá mức những cảnh nóng, cảnh bạo lực. Thậm chí có nhà sản xuất còn tuyên bố nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam chưa thể đạt chất lượng nghệ thuật như lý do bị hạn chế trong việc sử dụng các yếu tố bạo lực, cảnh nóng. Xét cho cùng, một sản phẩm nghệ thuật phải luôn hướng người xem tới cái đẹp, cái cao cả, đến giá trị sau cùng là chân-thiện-mỹ, giúp con người sống tử tế, nhân văn hơn chứ không phải chiều theo thị hiếu nhất thời của một bộ phận công chúng, đến mức phản văn hóa, phản nghệ thuật.
Trước những diễn biến đáng báo động hiện nay đặt ra yêu cầu cần kiểm soát, tiết chế mức độ bạo lực, mô tả trần trụi cái xấu, cái ác trong các sản phẩm văn hóa. Thực tế, nhiều quốc gia đã từng có những chế tài kiểm soát hiệu quả các sản phẩm chứa quá nhiều các yếu tố bạo lực, tiêu cực. Phương pháp chủ yếu là dán nhãn cảnh báo về độ tuổi, tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý, hành vi của người xem. Tại Mỹ, gần đây, các phụ huynh học sinh đã lên tiếng đòi chính phủ của họ phải có biện pháp quản lý ngành sản xuất phim để giảm thiểu các sản phẩm chứa quá nhiều hình ảnh bạo lực gây ảnh hưởng xấu cho giới trẻ.
Ở nước ta, để đối phó và xử lý thực trạng này, bên cạnh chế tài xử lý vi phạm mạnh tay ở khâu hậu kiểm, các cơ quan chức năng đã có những động thái siết chặt khâu tiền kiểm. Trong lĩnh vực phim ảnh, Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL ngày 5/4/2023 do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo áp dụng cho tất cả phim ảnh phổ biến tại Việt Nam, từ phim chiếu mạng, chiếu rạp đến truyền hình chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2023. Thông tư quy định bạo lực là một trong 7 tiêu chí phân loại phim ảnh cùng với chủ đề, nội dung; khỏa thân, tình dục; ma túy, chất kích thích; kinh dị; ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước. Ngoài ra, Thông tư cũng đưa ra 6 mức phân loại phim gồm: P (phim phổ biến đến mọi độ tuổi), K (dưới 13 tuổi xem cùng cha mẹ, người giám hộ), T13 (đủ 13 tuổi trở lên), T16 (đủ 16 tuổi trở lên), T18 (đủ 18 tuổi trở lên) và C (phim không được phép phổ biến). Đáng tiếc, đối với các MV ca nhạc, đến thời điểm hiện tại, chưa có quy định cụ thể về mức độ các hình ảnh bạo lực để đối chiếu, đưa ra các hình thức xử phạt. Trước mắt, đối với các sản phẩm cần chấn chỉnh, có thể căn cứ vào Điều 3 và Điều 17 Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực ngày 1/2/2021) để ra văn bản yêu cầu ngừng biểu diễn tác phẩm trong quá trình chờ xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Cụ thể, theo quy định về hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị buộc tiêu hủy văn hóa phẩm; buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.
Thực trạng nêu trên đang đòi hỏi cùng với việc tăng cường tiền kiểm, thắt chặt hậu kiểm, cần có những quy định cụ thể về mức độ, tần suất của yếu tố bạo lực trong các sản phẩm văn hóa. Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ với công chúng, với cộng đồng. Mỗi cá nhân nghệ sĩ cần tâm niệm rằng các sản phẩm nghệ thuật đều tạo ra những tác động nhất định đến đối tượng thụ hưởng. Vì thế, khi sáng tạo, người nghệ sĩ cần có sự cân nhắc, tính toán cẩn trọng về cách thức chuyển tải thông điệp, thời điểm phát hành phù hợp cũng như hiệu ứng xã hội mà sản phẩm mang lại. Hơn nữa, mỗi người nghệ sĩ cần xác định rõ đâu là ranh giới giữa nghệ thuật, sáng tạo với phản cảm, độc hại. Trong những bộ phim hay MV khai thác chủ đề hành động, tội phạm, trinh thám, bạo lực học đường, chiến tranh…, có thể xuất hiện những cảnh quay bạo lực, tuy nhiên nếu khai thác đúng, đủ, hợp lý, yếu tố bạo lực sẽ giúp tăng tính hấp dẫn, kịch tính, truyền tải những thông điệp nhân văn, hướng thiện. Ngược lại, nếu lạm dụng thái quá sẽ rất dễ rơi vào nguy cơ góp phần cổ xúy cho cái xấu, cái ác, gây hệ lụy khôn lường đến xã hội, nhất là nhận thức của giới trẻ.