Trong kịch bản tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023.
Kỳ vọng hoạt động thương mại phục hồi tích cực
Tại Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023: “Chuyển đổi số với phát triển bền vững” được Trường Đại học Thương mại công bố ngày 2/4, các chuyên gia đã chỉ ra những xu hướng tích cực và không thuận lợi tới thương mại Việt Nam trong năm nay.
Theo đó, những rủi ro địa chính trị như xung đột gần đây ở Trung Đông và Nga – Ukraine gia tăng căng thẳng có thể có tác động tiêu cực toàn cầu thông qua thị trường hàng hóa và tài chính, thương mại và lòng tin.
Về mặt tích cực, hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ và lạm phát giảm ở Mỹ có thể được duy trì, ngay cả khi phải đối mặt với những cơn gió ngược, nếu được hỗ trợ bởi những cải thiện từ nguồn cung lao động. Do đó tăng trưởng của Mỹ có khả năng tiếp tục mạnh hơn dự kiến khi áp lực lạm phát giảm và chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ thúc đẩy hoạt động toàn cầu.
Với Việt Nam, đại diện cho nhóm biên soạn báo cáo, PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng Khoa Kinh tế – Trường Đại học Thương mại – cho rằng, năm 2024, tình hình thương mại Việt Nam vẫn được đánh giá là tương đối khó khăn khi sự hồi phục kinh tế của các nước đối tác của Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có độ mở thương mại cao và những ảnh hưởng từ kinh tế thế giới cũng sẽ có ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam. Trong đó, rủi ro địa chính trị như xung đột gần đây ở Trung Đông và Nga – Ukraine tiếp tục gây ra những hạn chế thương mại của Việt Nam.
Thứ hai, tăng trưởng yếu hơn của Mỹ và Trung Quốc cũng phần nào ảnh hưởng đến giảm xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam năm 2024. Một số ngành gặp khó khăn kéo dài như ngành dệt may Việt Nam và nhiều ngành xuất khẩu lớn như điện tử, sản phẩm gỗ… khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính chưa phục hồi.
Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi về hoạt động thương mại khi tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới,… Nếu các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt những Hiệp định FTAs thì có nhiều cơ hội xuất khẩu. Những tín hiệu tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi vào năm 2024, đặc biệt là đối với hoạt động thương mại của Việt Nam.
Các giải pháp và nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ đã đang được triển khai nghiêm túc, tích cực ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành. Do đó, kỳ vọng đối với sản xuất trong nước cũng như hoạt động thương mại tích cực hơn trong thời gian tới.
3 kịch bản cho thương mại Việt Nam
Báo cáo cũng đưa ra 3 kịch bản với thương mại Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, ở kịch bản cơ sở là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Với kịch bản cơ sở, các dự báo chỉ tiêu sẽ ở mức phù hợp với xu hướng phục hồi kinh tế và các giả thiết bên ngoài đã đặt ra. Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức tăng 5,78% năm 2024 và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.607 USD/người/năm. Với kịch bản này, chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 3,71%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 760,15 tỷ USD, tăng 11,62% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 10,84%; nhập khẩu tăng 12,46%.
Kịch bản tăng trưởng cao, đây là kịch bản cũng có thể xảy ra nếu những diễn biến sắp tới về địa chính trị trên thế giới tích cực hơn. Diễn biến kinh tế trong nước có nhiều thuận lợi. Kinh tế của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam phục hồi tích cực, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,21% năm 2024 và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.659 USD/người/năm. Chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 4,23%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 15,28%; nhập khẩu tăng 16,95%.
Với kịch bản tiêu cực, khi những diễn biến phức tạp của địa chính trị, kinh tế thế giới cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục khiến kinh tế thế giới rơi vào khó khăn. Kinh thế trong nước bị nhiều tác động tiêu cực và cộng thêm với những vấn đề nội tại của nền kinh tế có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt thấp trong năm 2024.
Theo đó, với kịch bản này, tăng trưởng năm 2024 được dự báo ở mức tăng 5,21% và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.556 USD/người/năm. Chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 3,34%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 737,35 tỷ USD, tăng 8,27% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 7,52%; nhập khẩu tăng 9,08%.
7 nhóm khuyến nghị chính sách được đưa ra
Để thực hiện mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam như Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030 đã xây dựng, Chính phủ cần xem xét thực hiện các chính sách phát triển xuất nhập khẩu.
Theo đó, nhóm chính sách phát triển thị trường xuất khẩu được đề xuất bao gồm: Chính sách giữ vững các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống; chính sách phát triển thị trường mới, thị trường ngách; chính sách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tận dụng và khai thác tối đa lợi ích mà các FTA đã ký kết đem lại; tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, tận dụng các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhóm chính sách phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu gồm: Chính sách phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn; Chính sách phát triển nguồn hàng, đổi mới cơ cấu hàng hóa, đa dạng hóa hàng hóa. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, hướng vào lõi công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chính sách hỗ trợ sản xuất trong các lĩnh vực mới và công nghệ trọng yếu nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, và nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; Chính sách phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu; Chính sách phát triển sản phẩm xuất khẩu gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng; Chính sách phát triển nguồn hàng xuất nhập khẩu gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất nhóm chính sách xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; nhóm chính sách phát triển chuỗi cung ứng; nhóm chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics phục vụ hoạt động ngoại thương; nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Chính sách quản lý nhập khẩu.
Riêng với nhóm chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics phục vụ hoạt động ngoại thương, báo cáo của Trường Đại học Thương mại kiến nghị Chính phủ Chính phủ cần tăng cường thực hiện đầu tư công cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong đó, bao gồm: Xây dựng, mở rộng, và nâng cấp các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển, và sân bay để tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kho bãi, trung tâm phân phối, và hệ thống quản lý logistics để cải thiện quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, giảm thời gian và chi phí; Cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các cảng biển và cửa khẩu để tăng cường khả năng xử lý hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu; Cải thiện quy trình hải quan và thông quan, tạo ra các khu vực đặc khu logistics nhằm phát triển các dịch vụ hỗ trợ logistics.