Hai ngày trước khi Trịnh Công Sơn mất, Trần Mạnh Tuấn đến nhà trả phí tác quyền 10 triệu đồng, song nhạc sĩ chỉ lấy 10.000 đồng tượng trưng.
Sáng 1/4, Trần Mạnh Tuấn chống gậy cùng vợ đến thăm ngôi nhà gia đình Trịnh Công Sơn ở hẻm Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP HCM), nhân ngày giỗ thứ 23 của nhạc sĩ. Được học trò dìu vào phòng khách, anh nhìn di ảnh Trịnh Công Sơn một hồi lâu rồi cùng vợ thắp nén hương. Trên bàn thờ, người thân đặt một đĩa bánh cốm – thức quà yêu thích của nhạc sĩ sinh thời, và vài nhánh hoa sala.
Nghệ sĩ saxophone lưu giữ ký ức lần cuối gặp Trịnh Công Sơn. Hai ngày trước khi mất, ông gọi anh đến nhà nói lời tạm biệt. Trần Mạnh Tuấn khi ấy thuê trọ cách nhà ông chỉ vài căn, là một trong những người hiếm hoi ở cạnh nhạc sĩ những ngày cuối cùng. Sinh thời, Trịnh Công Sơn xem trọng sự chỉnh tề, lịch thiệp, không muốn người ngoài, nhất là phái đẹp, nhìn thấy ông trong bộ dạng tiều tụy.
Lúc đó, Trần Mạnh Tuấn cầm theo tờ giấy xin phép được thực hiện album Hạ trắng, cùng 10 triệu đồng phí bản quyền cho 10 bài. Nhạc sĩ lắc đầu, nguệch ngoạc ghi vào giấy 10.000 đồng – số tiền tượng trưng và ký tên. Đó là chữ ký cuối cùng của ông, sau này được Trần Mạnh Tuấn in lên bìa Hạ trắng – đĩa nhạc thành công nhất sự nghiệp của anh với hàng trăm nghìn bản phát hành.
Trịnh Công Sơn qua đời là cú sốc lớn với bạn hữu của ông. Không ai nghĩ bệnh tình diễn biến nhanh như thế bởi trước đó một tháng, ông còn tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 62. Chỉ Trần Mạnh Tuấn cùng một số người thân biết nhạc sĩ cùng lúc mắc năm chứng bệnh nan y liên quan phổi, thận, xương.
Ngày cuối của nhạc sĩ, anh túc trực bên giường bệnh, chứng kiến nhịp tim ông trên màn hình monitor giảm dần. “23 năm trôi qua, ngoài âm nhạc – di sản lớn nhất anh để lại, năm bức chân dung sơn dầu được anh vẽ tặng tôi vẫn luôn giữ bên mình, treo trang trọng trong nhà”, nghệ sĩ nói.
Trong ngày giỗ, cùng tiếng đàn guitar của nghệ sĩ Tấn Sơn, Trần Mạnh Tuấn chơi liên khúc Cát bụi – Tình xa – Biển nhớ – Như cánh vạc bay. Khi nghệ sĩ thổi nốt cao “gọi nắng” trong Hạ trắng, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh xuýt xoa, khen tiếng kèn của đàn em vẫn vang, sáng như lúc chưa mắc bạo bệnh. Kết thúc tiết mục, anh khoe “muốn thổi bao nhiêu bài nữa cũng được”, nhưng được người thân nhạc sĩ khuyên giữ sức.
Giọng nói khàn khàn do điều trị hậu đột quỵ, Trần Mạnh Tuấn cho biết mỗi năm, bất kể bận việc gì, vợ chồng nghệ sĩ đều thu xếp đến viếng người anh lớn trong nghề. Năm 2021, chứng tai biến khiến anh tưởng như không còn cơ hội trở lại nghề. Nghệ sĩ phải từng bước tập nhúc nhích ngón tay để các khớp dần linh hoạt, luyện hơi thở mỗi ngày như một người mới vào nghề. “Duy chỉ có một thứ tôi không cần học lại, đó là những bản nhạc của anh. Nhiều năm chơi hàng trăm ca khúc Trịnh Công Sơn, nhạc Trịnh ăn sâu vào máu thịt tôi rồi”, Trần Mạnh Tuấn nói.
Cuối sự kiện, Trần Mạnh Tuấn cùng các nghệ sĩ hòa giọng với ca khúc Hãy yêu nhau đi. Buổi tưởng nhớ còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Tấn Sơn với liên khúc Xa dấu mặt trời – Em hãy ngủ đi. Đặng Anh Kiệt – đại diện nhóm nghiên cứu và biểu diễn nhạc Trịnh của Đại học Fulbright Việt Nam – thể hiện Ru em từng ngón xuân nồng.
Dịp giỗ Trịnh lần thứ 23, tối 1/4, người mộ điệu tham gia sự kiện Đêm thao thức cùng Trịnh, diễn ra bên mộ nhạc sĩ ở nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức (TP HCM). Từ 19h đến 5h sáng hôm sau, khán giả cùng đốt nến, cắm sen tưởng nhớ. Ở Hà Nội, đêm nhạc Như cánh vạc bay diễn ra tối cùng ngày, với sự tham gia của Mỹ Linh, Hà Lê, Ngọc Anh, Nguyên Hà, Lưu Hương Giang. Dịp này, gia đình nhạc sĩ công bố chương trình xây trường học cho trẻ em dân tộc thiểu số tại ba nơi – huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), B”lao (Lâm Đồng) và Buôn Ma Thuột – nơi Trịnh Công Sơn sinh ra.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, mất ngày 1/4/2001. Ông để lại hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình. Nhiều tên tuổi gắn liền nhạc của ông như: Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Quang Dũng, trong đó Khánh Ly là giọng hát biểu tượng.
Trần Mạnh Tuấn, 54 tuổi, sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha mẹ và chị gái là nghệ sĩ cải lương. Anh là nhạc công chơi saxophone duy nhất được đề cử 5 lần tại giải Cống Hiến. Trần Mạnh Tuấn còn hợp tác nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Trần Thu Hà. Anh từng thành lập câu lạc bộ jazz Sax n’ Art tại TP HCM, làm giám khảo cuộc thi Vietnam Idol 2008. Con gái Trần Mạnh Tuấn – An Trần – nối nghiệp cha, trở thành tài năng saxophone mới.