Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được coi là “kim chỉ nam” để mỗi địa phương khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, NTM nâng cao, thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, từng bước xây dựng hình ảnh người nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng là một trong những hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp mà nghị quyết “tam nông” nhấn mạnh. Trong đó, nông nghiệp sinh thái đang được nhiều người dân Quảng Ninh lựa chọn trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của vườn tược, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa con người kết hợp với du lịch để nâng cao thu nhập bền vững.
Với lịch sử trồng chè hơn 50 năm, người dân xã Quảng Long (huyện Hải Hà) đã nắm bắt xu thế phát triển nông nghiệp sinh thái, đưa cây chè gắn với du lịch, nhằm nâng cao đời sống, đồng thời quảng bá chè Hải Hà đến với du khách trong nước và quốc tế. Từ năm 2018, Lễ hội trà Đường Hoa được huyện Hải Hà tổ chức thường niên nhằm tôn vinh người trồng chè, quảng bá sản phẩm chè và phát triển du lịch.
Còn tại huyện Bình Liêu, từ những thửa ruộng bậc thang, chính quyền và người dân địa phương đã tổ chức Lễ hội mùa vàng hằng năm để phát triển du lịch. Hay như tại vùng trồng cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn), nhiều nhà vườn ngoài việc chú trọng phát triển trái cam hướng đến thị trường tiêu thụ, còn tập trung cải tạo vườn tược, tổ chức hoạt động trải nghiệm hái cam, cắm trại dã ngoại… để thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh, quảng bá nông sản. Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên (Vân Đồn) cho biết: Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái đang là hướng đi mới, mang lại lợi nhuận kép cho người trồng cam Vân Đồn, nhờ đó người dân phát triển kinh tế bền vững hơn.
Việc chuyển hướng từ canh tác truyền thống sang phương thức mới, có sự hiện diện của khoa học, kỹ thuật đã và đang được tỉnh Quảng Ninh chú trọng trong thời gian qua. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành và đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế. Tiêu biểu như vùng nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt – Úc tại Đầm Hà cho sản lượng mỗi năm 1,5-1,7 tỷ con tôm giống cung cấp cho thị trường. Toàn tỉnh cũng có 31 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Cùng với đó là sự nở rộ của những vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn tại nhiều địa phương trong tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu mà nghị quyết “tam nông” đề ra. Đến nay, Quảng Ninh đang duy trì 1.070ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 94ha lúa chất lượng cao; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng được cấp mã số và 6 cơ sở đóng gói quả tươi…
Bên cạnh sự nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, từ những mục tiêu mà Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra, Quảng Ninh cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh nhà theo hướng văn minh, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 28 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 13/13 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 4/7 huyện cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao. Cơ cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể. Môi trường khu vực nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các vùng sản xuất loại cây trồng chủ lực, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, từng bước cơ cấu lại cây trồng theo từng lợi thế của địa phương; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản lượng hàng hóa lớn, đa dạng sản phẩm; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khu vực nông thôn.