Chính sự cạnh tranh giúp logistics trong thương mại điện tử phát triển và khách hàng là người đầu tiên hưởng lợi nhờ chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Tốc độ tăng trưởng mạnh
Theo thống kê của Metric, nền tảng số liệu E-commerce, các kênh bán hàng trực tuyến tại Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Tính riêng 2023, có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.
Báo cáo của Allied Market Research, công ty phân tích dữ liệu trụ sở tại Mỹ, cho thấy lĩnh vực logistics cũng mở rộng nhanh chóng theo ngành thương mại điện tử. Ước tính, với tốc độ tăng trưởng kép 24,1% giai đoạn 2022-2030, thị trường chuyển phát tại Việt Nam sẽ đạt 4,88 tỷ đô đến trước năm 2030. Cũng theo báo cáo, mức tăng trưởng nóng thu hút nhiều công ty trong và ngoài nước tham gia, khiến sự cạnh tranh ở lĩnh vực logistics trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Ttừ 2019, Việt Nam đã có hơn 400 doanh nghiệp chuyển phát nhanh hoạt động. Đến nay, con số này tiếp tục tăng lên và đặt hơn 700 doanh nghiệp với hàng loạt tên cái tên có tiềm lực lớn như Vietnam Post, GHN, GHTK, Nhất tín Logistics, Viettel Post, SPX,…
Cơ hội không dành cho tất cả
Theo phân tích của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, dù thị trường vận chuyển hàng hóa liên kết thương mại điện tử còn nhiều dư địa tăng trưởng, “miếng bánh” thị phần vẫn chỉ dành cho số ít đơn vị có chất lượng tốt nhất. Vì vậy, các doanh nghiệp đều cố gắng áp dụng những chiến lược khác nhau để vươn lên dẫn đầu, khiến cơ cấu thị phần ngành liên tục thay đổi.
Cụ thể, những năm trước, nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm số lượng khiêm tốn dưới 5%, nhưng nắm đến 60% doanh thu dịch vụ chuyển phát nhanh. Nhóm này có lợi thế ở mạng lưới rộng khắp, lực lượng lao động đông đảo, có thể giao hàng, bưu kiện khối lượng nhỏ với mức giá cạnh tranh. Ưu thế về độ phủ sóng cũng giúp nhóm doanh nghiệp này trở thành thương hiệu quen thuộc với cả những khách hàng ở xa trung tâm thành phố, nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty tư nhân và những startup công nghệ trong nước đã bất ngờ bứt phá, giành lấy thị phần cho riêng mình. Những đơn vị này đẩy mạnh đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quy trình hiện đại, thân thiện với người dùng. Dù tới sau, họ nhanh chóng tạo ấn tượng tốt nhờ tốc độ vận chuyển và các chương trình ưu đãi về cước phí, từ đó thu hút đa dạng tệp khách hàng, đặc biệt là những người sinh sống tại thành thị.
Tại Hội nghị Logistic tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm ngoái, các chuyên gia đánh giá cước vận chuyển đang là ưu thế cạnh tranh được nhiều công ty coi trọng, nhằm giảm chi phí tổng thể. Ngoài việc tung ra các khuyến mãi hấp dẫn, nhiều đơn vị đã biết cải tiến công nghệ, tối ưu vận hành để giảm cước, tránh lãng phí cho khách hàng. “Chi phí logistics từng bị lãng phí ở nhiều giai đoạn cho thấy tầm quan trọng của chuyển đối số, có dữ liệu để tối ưu hóa”– bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó tổng giám đốc Công ty giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog cho biết.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng cước phí không phải là tất cả. Những cá nhân, doanh nghiệp mua bán trên sàn thương mại điện tử còn ưu tiên tốc độ chuyển phát và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo đó, quy trình hỗ trợ bảo hành, đổi hàng, hoàn hàng trả tiền, cần được triển khai nhanh gọn, mang tới trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. “Các doanh nghiệp logistics Việt Nam có khả năng tối ưu chi phí vận chuyển tốt, nhưng việc chú trọng mở rộng cơ sở hạ tầng, đào tạo để nâng cao mức độ chuyên nghiệp nhân công cũng rất quan trọng”, Julien Brun, Giám đốc công ty CEL, người từng có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics thông tin.
Cũng theo các chuyên gia, cơ quan quản lý trong nước cần đưa ra quy định để thúc đẩy sự cạnh tranh nhiều nhất có thể, từ đó đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành, khiến nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự định hướng tốt cũng giúp các đơn vị vận chuyển và sàn thương mại điện tử có thể phối hợp chặt chẽ với nhau, mang tới trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Bên cạnh đó, các quy định cũng cần đảm bảo mang lại công bằng cho các bên.
Liên tục cải tiến mới có thể dẫn đầu
Sự cạnh tranh tạo ra động lực khiến các doanh nghiệp logistics luôn phải đổi mới để không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng mà còn giúp tạo lợi thế trên thị trường.
Với BEST Express, hãng chuyển phát bước chân vào Việt Nam năm 2019 cố gắng thu hút người dùng bằng những sáng kiến mới trên ứng dụng. Từ giữa 2023, công ty này triển khai thông báo hành trình đơn qua tin nhắn Zalo, kết hợp live chat trực tiếp cùng nhân viên chăm sóc khách hàng. Qua đó, cả người mua (bên nhận), lẫn người bán (bên gửi) và đơn vị vận chuyển đều dễ dàng kết nối, giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh.
Tương tự, nhóm doanh nghiệp gồm GHN, SPX,… cũng liên tục tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn tài chính từ nhà đầu tư để cải tiến, xây dựng kho bãi,… để mở rộng thị phần.
Vào tháng 9/2023, SPX đã khánh thành trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh với công suất xử lý 2,5 triệu bưu kiện/ngày trong giai đoạn 1 và dự kiến nâng lên 5 triệu bưu kiện/ngày ở giai đoạn 2. Và mới đây, SPX đã ký thỏa thuận với Frasers Property Vietnam để triển khai dự án Trung tâm phân loại hàng hóa tự động quy mô và hiện đại nhất tại Bình Dương. Được biết, Trung tâm phân loại hàng tự động sở hữu diện tích đến 106.000 m2 và được trang bị hệ thống phân loại hàng hóa tự động tiên tiến nhất hiện nay trên thị trường hiện nay.
Trước sức ép này, những công ty được gắn mác “truyền thống” như Viettel Post đã cấp tốc làm mới lại hạ tầng mạng lưới cả phần cứng và phần mềm, quy trình vận hành, khai thác, để đảm bảo tối ưu chi phí trên từng đơn hàng. Điển hình việc Viettel Post tận dụng sự hỗ trợ của AI đã giúp tốc độ tạo đơn hàng tăng gấp 3 lần.
Có thể thấy không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà các công ty trong nước cũng tập trung đầu tư, bức tốc cải tiến để không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn thúc đẩy thị trường giao nhận chặng cuối ở Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.