Không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử, đình Lộ Phong là di tích lịch sử cấp tỉnh, từng được 2 lần sắc phong của vua, nay còn lưu giữ nhiều lễ hội đặc sắc, ý nghĩa, mang đậm đà bản sắc của người Sán Dìu.
Đình làng Lộ Phong hiện tọa lạc tại tổ 27, khu 3, phường Hà Phong, có lịch sử khoảng 200 năm. Đình làng gắn liền lịch sử đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc là nơi thành lập đội du kích xã Lộ Phong, tổ chức mit-tinh lớn chào mừng Khu mỏ được giải phóng 25/4/1955, nơi thành lập Đội chống di cư, di chuyển máy móc vào Nam 1974.
Đình từng được 2 lần sắc phong của vua: Năm 1878 năm thứ 33 Tự Đức và năm 1887 năm Đồng Khánh thứ hai. Đình có địa thế đẹp, tựa núi nhìn ra Vịnh Hạ Long, thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Tất cả đã tạo nên không gian cảnh quan kiến trúc, bề dày lịch sử đình Lộ Phong.
Đáng chú ý nhất là cho tới nay, cộng đồng người Sán Dìu ở đây vẫn gìn giữ, duy trì được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có các lễ hội như là lễ Cầu an và lễ hội Cầu mùa. Lễ Cầu an (tiếng Sán Dìu gọi là khíu phình on) tổ chức 3 năm 2 lần, từ khoảng mùng 5 đến rằm tháng Giêng, nhằm cầu cho quốc thái dân an, đất nước thanh bình, nhà nhà yên vui.
Trong ngày lễ hội, người làm lễ viết sớ, đọc rồi đốt sớ, làm thủ tục “bắc cầu” thỉnh, mời Phật, chư vị linh thần về chứng lễ, xua đuổi tà ma ra biển, không làm phiền đến cuộc sống của dân làng. Không chỉ vậy, trong lễ cầu an còn có lễ tạ long mạch của đình, thiên thần, thổ địa phù hộ bà con nhân dân, lễ dựng cây nêu… Các nghi lễ được thực hiện trong đình, ngoài sân đình và các miếu thờ 5 vị thần trấn giữ 5 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm). Thông thường lễ cầu an được thực hiện công phu và qua đầy đủ các công đoạn, thường kéo dài từ sáng cho tới trưa hoặc quá trưa.
Lễ quan trọng khác là lễ cầu mùa (xịt nhọt thai khíu). Trong dịp này có lễ tẩy trần (tương tự lễ mộc dục tắm tượng) sau đó là lễ cáo yết xin phép mở lễ hội, tế thần tổ chức ở ngoài trời, trước cửa đình. Mục đích của lễ tế thần là bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn, mong ước của dân làng với thần linh. Sau đó là lễ cúng của các dòng họ trong và ngoài sân đình. Đặc biệt trong lễ, các thầy cúng còn đi ra giữa cánh đồng làm lễ cúng trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, không có dịch bệnh, mùa màng bội thu, dân làng no ấm, yên vui.
Đáng chú ý, các lễ hội cho tới nay vẫn gìn giữ được nhiều nét đặc trưng, nét đẹp phong tục của người Sán Dìu ở đây. Cụ Lam Văn Ỉnh, thầy cúng, chủ tế nhiều lễ hội ở đình, cho biết: “Các nghi lễ đều được thực hiện công phu, theo đúng phong tục người Sán Dìu. Trang phục của các quan tế viên là áo the đen, quần dài trắng, đầu đội khăn xếp. Lễ hội là dịp các dòng họ, dân làng quần tụ đầy đủ, thể hiện rõ văn hóa, sự cố kết cộng đồng của người Sán Dìu”.
Ở các lễ hội trên, ngoài các nghi lễ cúng, thỉnh thần, Phật, đều có lễ tri ân, tưởng nhớ tới những người có công với làng xã, với lễ trọng là một con lợn đã cạo sạch lông, bỏ ruột gan ra, để nguyên con xếp đặt đẹp mắt trên bàn cùng với mâm rượu, mâm trầu cau, vàng hương… Trong lễ hội, sau khi làm lễ xong, các gia đình cùng nhau thụ lộc, tổ chức ăn uống vui vẻ ở sân đình, chúc nhau những điều tốt đẹp, làm cho lễ hội thêm tưng bừng, nhộn nhịp. Ngoài ra, lễ hội còn có các trò chơi dân gian, diễn xướng đặc sắc như: Hát soọng cô, múa gậy, đẩy gậy, đánh cầu tay, làm các loại bánh truyền thống.
Ngoài ra, tại đình còn có các nghi lễ như ngày tuần tiết sóc vọng, các ngày lễ tiết Đoan ngọ (5/5 âm lịch), Rằm tháng 7, Tết Nguyên đán, lễ kính cáo Thành hoàng… Giá trị lịch sử, văn hóa của đình làng Lộ Phong đã rõ. Đáng tiếc là hiện chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích chưa có, nên việc tổ chức, phát huy các giá trị đình còn hạn chế.