Điện là mặt hàng tiêu dùng đặc biệt của đời sống cũng như phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, thiếu điện, cắt điện ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt, làm đảo lộn cuộc sống và phát triển kinh tế. Trong điều kiện khí hậu biến đổi mạnh mẽ, thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, mưa ít, thì nguy cơ thiếu điện ngày một gia tăng, điều này đòi hỏi mỗi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp… cần có ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Một trong những sự kiện, hoạt động được nhiều quốc gia biết đến, trong đó có Việt Nam là Giờ Trái đất. Đây là sự kiện quốc tế diễn ra hàng năm do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007. Đến nay Giờ Trái đất là sự kiện duy nhất, lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên trái đất, nhằm khuyến khích một cộng đồng toàn cầu liên kết với nhau để chia sẻ những cơ hội và thách thức của việc tạo ra một thế giới phát triển bền vững. Bằng những hành động nhỏ như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, đã và đang mang đến ý nghĩa lớn cho cộng đồng, tạo thành thói quen tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Giờ Trái đất được tổ chức nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30 (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm). Trong năm 2024 này, sự kiện tắt đèn sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, ngày 23/3, để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất với thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen”, qua đó nhằm nỗ lực để toàn cầu có một hệ sinh thái xanh mà trong đó mỗi dự án tại một địa phương, một quốc gia được kết nối và có tác động đến toàn cầu.
Qua chiến dịch Giờ Trái đất, Bộ Công Thương kêu gọi cộng đồng cùng “Giảm dấu chân carbon – Hướng tới Net Zero”, phát huy sức mạnh của tập thể và cá nhân để nâng cao nhận thức về những vấn đề môi trường, cùng nhau hành động, cùng nhau bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sống.
Những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái Đất đã tác động lớn đến nhận thức và hành động của người dân Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong việc tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý, về nguyên nhân, hậu quả của biến đổi khí hậu do việc sử dụng năng lượng lãng phí, chưa hiệu quả.
Trên tinh thần tích cực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, nhiều năm qua, ngành Điện lực Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kêu gọi các tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp cùng góp sức trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu bằng những hành động nhỏ, thiết thực nhưng đầy ý nghĩa như tự nguyện tắt các đèn chiếu sáng, đèn trang trí, quảng cáo, các thiết bị điện không cần thiết không chỉ vào thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất mà là thói quen hàng ngày, thường xuyên. Cùng với đó là sử dụng các loại thiết bị điện có hiệu suất cao tiết kiệm điện, được dán nhãn năng lượng và thực hiện các giải pháp an toàn tiết kiệm điện.
Thực tế thì Chiến dịch Giờ Trái đất đã có những tác động vô cùng lớn đến ý thức, hành động của người dân và đạt được kết quả tích cực. Đơn cử như năm 2023, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất (từ 20h30 phút đến 21h30, ngày 25/3/2023), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh. Trong đó, hưởng ứng Giờ Trái đất 2023, tỉnh Quảng Ninh tiết kiệm được gần 30.000 kWh điện.
Giờ đây, nguy cơ thiếu điện không chỉ được cảnh báo xảy ra ở mùa hè năm 2024, mà còn dự báo sẽ xảy ra ở những năm tiếp theo, bởi nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ngày một tăng theo tiến trình phát triển kinh tế – xã hội trong khi thời tiết cực đoan mưa ít, nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước cho các hồ thuỷ điện. Điều này đòi hỏi ngoài việc có kế hoạch căn cơ từ phía ngành điện thì rất cần sự vào cuộc chung tay tiết kiệm điện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở khắp mọi miền đất nước. Tiết kiệm điện không chỉ thực hiện ở ngày một, ngày hai, mà là việc làm thường xuyên thành thói quen mãi mãi.