Nhạc sĩ Trường Nhân nhận định nhãn hàng có thể mang lại nguồn tài chính cho các dự án âm nhạc nhưng cũng kéo theo nhiều hệ quả.
Theo tìm hiểu của PV, thị trường âm nhạc Việt trong khoảng một năm qua có dấu hiệu chững lại. Một phần lý do là nhóm nhãn hàng rót tiền nhiều nhất cho nhạc Việt trong 5 năm qua như đồ uống, sàn thương mại điện tử, bất động sản, ngân hàng, cắt từ 40-50% ngân sách marketing vào âm nhạc.
Từ đây, câu hỏi đặt ra là thị trường âm nhạc Việt có quá lệ thuộc vào nhãn hàng?
Nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân cho rằng trong thị trường đang phát triển như Việt Nam, ngành công nghiệp âm nhạc thường cần sự hỗ trợ tài chính từ các đối tác tài trợ để tồn tại và phát triển.
Ca sĩ Việt xoay xở thế nào khi nhãn hàng giảm ngân sách
Về vấn đề nhãn hàng chi phối thị trường âm nhạc Việt và nghệ sĩ khó dùng doanh thu từ nhạc số để tái đầu tư vào sản phẩm mới, ca sĩ Phạm Đình Thái Ngân chia sẻ với PV những năm qua, anh chưa làm việc quá sâu và quá nhiều với các thương hiệu, nhãn hàng. Do đó, anh cho biết bản thân đang làm nghề dựa vào phần lớn là âm nhạc.
Với Phạm Đình Thái Ngân, thời gian qua, anh vẫn nhận được show diễn tương đối ổn định. Tuy nhiên, nam ca sĩ thừa nhận số lời mời anh nhận được thời gian qua có ít hơn “một chút” so với mọi năm.
Nam ca sĩ cho rằng việc có nhãn hàng đầu tư là điều đôi bên cùng có lợi. Trong đó, nghệ sĩ có thêm vốn để thực hiện sản phẩm hoành tráng hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp thực hiện sản phẩm mà không có đầu tư, nam ca sĩ cho rằng điều quan trọng là MV đó phù hợp với bài hát đến đâu.
“Không phải cứ đổ nhiều tiền là thành công. Như năm 2023, tôi đầu tư rất nhiều vào Say em đắm yêu nhưng đó lại là MV ít lượt xem nhất của tôi từ trước đến giờ. Do đó, hiện tại tôi nghĩ cần sự tỉnh táo và suy tính bước đi kỹ càng mỗi khi làm MV. Mỗi một nghệ sĩ sẽ tự định hướng hoặc có người định hướng riêng cho họ. Nhiều người không ra MV hay album vẫn có show rất đều. Nguồn thu của nghệ sĩ hiện khá đa dạng nhưng quan trọng nhất vẫn là khán giả nhìn vào họ như thế nào, có hát hay, hình ảnh đẹp hay không”, nam ca sĩ nói.
Thường xuyên viết nhạc quảng cáo cho các nhãn hàng, nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân cho biết tình hình cắt giảm ngân sách thời gian của các công ty, thương hiệu không ảnh hưởng quá nhiều tới anh. Lý do là anh có tệp khách hàng lâu dài và khi các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách marketing như nói trên, họ vẫn phải duy trì những chương trình, dự án nội bộ không lớn nhưng được diễn ra đều đặn.
Tuy nhiên, từ phía các ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân cho rằng sự ảnh hưởng là khó tránh khỏi.
Anh nhận định: “Các bạn làm nghề ca diễn chắc chắn có sự tác động nhất định vì sự giảm sút ngân sách marketing vào âm nhạc đã làm giảm lượng show diễn, gây ra thách thức trong việc duy trì lịch trình biểu diễn. Việc đó ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng tiếp cận khán giả, đồng thời khiến ca sĩ mất nguồn thu quan trọng để đầu tư sản phẩm”.
Hướng đi cho Vpop
Theo quan điểm của nhạc sĩ, ý kiến cho rằng thị trường âm nhạc Việt chưa thể tự lập mà phụ thuộc khá lớn vào quảng cáo, nhãn hàng, có một phần đúng.
Sự chi phối từ quảng cáo và nhãn hàng có thể mang lại nguồn tài chính cho các dự án âm nhạc, giúp nghệ sĩ có cơ hội tiếp cận và phát triển sự nghiệp. Đồng thời, quảng cáo cũng giúp tăng cường sự nhận thức về âm nhạc và nâng cao tiếng tăm của nghệ sĩ.
“Tuy nhiên, sự chi phối này cũng đi kèm một số hậu quả. Việc phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo và nhãn hàng có thể làm mất đi sự độc lập và sáng tạo của các nghệ sĩ, khiến âm nhạc trở nên đồng nhất, thiếu tính đa dạng. Hơn nữa, các nghệ sĩ có thể bị ràng buộc bởi yêu cầu và mong muốn của đối tác tài trợ, làm giảm đi sự tự do trong việc tạo ra sản phẩm âm nhạc, khiến nó trở nên thương mại hơn là nghệ thuật”, nhạc sĩ nói với PV.
Anh nói thêm thị trường âm nhạc Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển. Sự cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật sẽ quyết định hướng đi của ngành trong tương lai.
Sự chi phối từ quảng cáo và nhãn hàng có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng để phát triển bền vững, thị trường âm nhạc Việt cần tìm cách tạo ra một môi trường tự lập, hỗ trợ sự đa dạng và sáng tạo trong ngành. Điều này có thể đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính phủ, tổ chức xã hội và cộng đồng âm nhạc để tạo ra các cơ hội, nguồn lực cho nghệ sĩ, doanh nghiệp âm nhạc.
Ngoài ra, nhạc sĩ cho rằng ca sĩ có thể tìm kiếm các nguồn thu từ nhiều nguồn khác nhau như bán album, tổ chức buổi biểu diễn trực tuyến, bán hàng merchandise, tạo ra nội dung độc đáo trên các nền tảng trực tuyến…
Tận dụng công nghệ để tăng cường tương tác với người hâm mộ, tổ chức các buổi livestream, họp fan trực tuyến là yếu tố quan trọng.
Nhưng hơn tất cả, quan trọng nhất vẫn là đầu tư vào chất lượng, sự đa dạng và sáng tạo để thu hút sự chú ý của khán giả.
“Hãy tạo ra các dự án mới, kết hợp âm nhạc với các hình thức nghệ thuật khác như hội họa, điện ảnh, văn học để tạo ra trải nghiệm độc đáo cho người nghe. Bằng cách thực hiện những biện pháp này, các ca sĩ có thể phần nào vượt qua thách thức hiện tại và tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển của sự nghiệp âm nhạc trong thị trường đang biến đổi”, nhạc sĩ bày tỏ.