Bộ Tài Chính rất thận trọng về vấn đề Quỹ Hưu trí Tự nguyện vì thời gian tối đa là 99 năm, nên sẽ gây rủi ro khi doanh nghiệp hay quỹ không bảo toàn được, bị lỗ, hoặc thậm chí phá sản.
Nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính đã được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra sáng 18/3.
Thận trọng trong cấp phép thành lập Quỹ Hưu trí Tự nguyện
Đề cập đến loại hình kinh doanh quản lý Quỹ Hưu trí Tự nguyện, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng Tài chính về tình hình hoạt động của các Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện và quan điểm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này?
Trong bối cảnh trình độ quản lý của các doanh nghiệp còn hạn chế, mức độ rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam còn lớn, liệu có nguy cơ vỡ quỹ, gây mất mát toàn bộ tiền của người đầu tư hay không?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết với Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện, hiện nay cả nước có 4 doanh nghiệp tham gia, 10 quỹ đang hoạt động.
Bộ Tài chính đã nhận được một số hồ sơ xin thành lập Quỹ Hưu trí tự nguyện.
Tuy nhiên, như đại biểu đã đề cập, phải luôn luôn xác định được rủi ro từ sớm, từ xa, đặc biệt là rủi ro trong dài hạn, bởi đối với hưu trí tự nguyện, thời gian tối đa là 99 năm, nên sẽ gây rủi ro khi doanh nghiệp hay quỹ không bảo toàn được, bị lỗ, hoặc thậm chí phá sản, ảnh hưởng đến quyền lợi về mặt lâu dài của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ rất thận trọng về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, qua theo dõi 4 doanh nghiệp kinh doanh Quỹ Hưu trí Tự nguyện, số người tham gia chủ yếu là cán bộ và người lao động trong hệ thống (khoảng 5.000 người).
Người lao động bên ngoài, nhân dân chưa tham gia nhiều. Bộ Tài chính một mặt khuyến khích phát triển Quỹ Hưu trí Tự nguyện, mặt khác, coi trọng việc giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia đến khi về hưu. Đây là những vấn đề rủi ro đặt ra trong dài hạn.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các công ty bảo hiểm
Thời gian qua, nhiều tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xuất phát từ việc tư vấn cho người tham gia bảo hiểm không rõ ràng, không đầy đủ.
Có quan điểm cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên xuất phát từ chất lượng đào tạo và cấp chứng chỉ tư vấn bảo hiểm chưa thực sự tốt, còn tràn lan và có phần dễ dàng.
Nêu vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ trưởng đối với nhận định trên và biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với đội ngũ này trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu ngành tài chính, vấn đề tư vấn không rõ ràng trong quá trình bán bảo hiểm cho khách hàng, lợi dụng việc vay vốn ngân hàng để yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm, hay khi khách mang tiền gửi đến ngân hàng, nhân viên ngân hàng tư vấn để mua bảo hiểm…, nhóm vấn đề này thuộc hành vi của người tư vấn, cán bộ thuộc công ty tư vấn thực hiện không chính xác, không rõ ràng, không đầy đủ thông tin cho người tham gia bảo hiểm.
Những vấn đề này ngoài liên quan đến vi phạm luật pháp, còn liên quan vi phạm đạo đức của người làm nghề.
Với trách nhiệm là cơ quan cấp phép, kiểm tra các công ty bảo hiểm, Bộ Tài chính quy định kiểm tra quy chế nội bộ, xây dựng văn hóa ứng xử trong các công ty bảo hiểm, lưu tâm đến vấn đề này khi kiểm tra hoạt động của các công ty bảo hiểm.
Khi có khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ thanh tra và làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp tư vấn bảo hiểm và trách nhiệm của công ty bảo hiểm trong quản lý cán bộ của mình.
Đối với nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ tư vấn bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết chương trình đào tạo luôn được đổi mới và thực hiện thường xuyên, theo đúng lịch trình và quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xe máy là bắt buộc
Cũng liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nêu thực tế, qua các cuộc tiếp xúc cử tri và nhân dân phản ánh, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, bảo hiểm hành khách với xe máy mang tính hình thức.
Nhiều trường hợp mua bán trên vỉa hè, lề đường, giấy chứng nhận bảo hiểm viết tay, khó cất giữ, bảo quản.
Khi xảy ra sự cố, thủ tục thanh quyết toán còn phức tạp, mức bồi thường thấp khiến người mua bảo hiểm rất phiền hà, họ thường chỉ làm thủ tục khi có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Từ ý kiến trên, đại biểu đặt ra một loạt câu hỏi đối với Bộ trưởng Tài chính: Có thể số hóa được loại bảo hiểm này không? Có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chi trả bồi thường nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân? Trong thời gian tới có thể điều chỉnh quy định hiện hành theo hướng triển khai sản phẩm tự nguyện thay vì bắt buộc như hiện nay?
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian qua, tai nạn với xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi của người dân.
Người tham gia bảo hiểm xe máy nộp tiền ít nhưng số tiền được hưởng nhiều, quy định này quan tâm đến lực lượng yếu thế.
Ông dẫn chứng số tiền mua bảo hiểm xe máy chỉ 55.000 đồng/năm, song số tiền được hưởng tối đa có thể lên đến 150 triệu đồng.
Khi chi trả, chỉ trong trường hợp tai nạn chết người mới cần tới hồ sơ của cơ quan Công an chuyển sang, nhiều trường hợp khác được đền bù bảo hiểm thông qua các hồ sơ hai bên trích lập và có thể thực hiện bằng điện tử.
Về vấn đề số hóa, Bộ trưởng Tài chính chia sẻ Bộ đang chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung làm cơ sở dữ liệu số hóa và thanh toán không dùng tiền mặt.
“Điều này rất phù hợp với xu thế trong tương lai. Chúng ta sau này thực hiện xã hội số hóa, tiến đến không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử và thiết lập hồ sơ, gửi, xác nhận hồ sơ thông qua hệ thống điện tử,” ông nói.
Lấy ví dụ từ Cơ sở Dữ liệu Dân cư với hệ thống “cơ sở dữ liệu khổng lồ cho 100 triệu dân” mà chúng ta còn làm được, Bộ trưởng cho rằng, số hóa dữ liệu đối với xe máy và bảo hiểm “sẽ làm nhanh.”
Là một trong những bộ đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin rất hiện đại.
Chẳng hạn như hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc, từng giây, từng phút, từng ngày có thể biết chi ngân sách bao nhiêu, chi đơn vị nào, cả nước thu được bao nhiêu, thu đơn vị nào.
“Thủ tướng, Phó Thủ tướng hỏi bất thường trong một giờ nào, chúng tôi cũng trả lời được ngay sau chừng 2-3 phút, vì chúng ta có một cơ sở dữ liệu và có hệ thống rất hiện đại,” Bộ trưởng Tài chính cho hay./.