Kinh doanh khó khăn, lãi suất thấp nhưng tín dụng tăng chậm… đang đè nặng lên người làm ăn. Tuy vậy, tình hình đã sáng hơn, do vậy cần sớm cởi bỏ tâm lý này để tạo tinh thần hứng khởi trong làm ăn.
Xung quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Trương Văn Phước – nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ông Phước nói:
– Năm 2024, theo tôi, nền kinh tế nước nhà vẫn hưởng lợi từ những chuyển biến tích cực của kinh tế thế giới. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 3,1% trong khi năm 2023 là 2,7%.
Lạm phát – vốn làm giảm sức mua – cũng bắt đầu giảm: từ 6,9% năm 2023, dự báo còn 5,8% năm 2024 và 4,4% năm 2025.
Khi tăng trưởng đi lên và lạm phát đã vượt mức đỉnh, nhiều nền kinh tế lớn là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam sẽ giảm dần mức độ thắt chặt tiền tệ, qua đó giúp phục hồi tiêu dùng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Có nhiều đơn hàng, việc làm và thu nhập của người lao động sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023.
Một điểm sáng nữa là mặt bằng lãi suất USD sẽ dần thấp xuống, tỉ giá USD so với các đồng tiền không tăng nhiều, thậm chí ổn định hơn, sẽ giúp các dòng vốn quốc tế quay trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Lẽ ra tháng 3 này Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt lãi suất, nhưng dự báo qua cuộc họp tháng 6 FED mới xem xét vấn đề này. Nhiều ngân hàng trung ương cũng đang do dự về quyết định cắt lãi suất.
Tuy nhiên rủi ro cho kinh tế toàn cầu là xung đột địa chính trị vẫn còn gay gắt, biến đổi khí hậu, tâm lý bất an trên thị trường bên cạnh rủi ro có thể làm tiến trình nới lỏng chính sách tiền tệ chậm lại.
Với tình hình như trên, người kinh doanh cần có niềm tin và nhìn xa để tận dụng cơ hội và tính toán chuyện làm ăn.
* Trong bối cảnh đó, chúng ta cần giải pháp đột phá gì khác, ngoài đầu tư công, kích thích thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu đã được thực hiện trong năm 2023?
– Ba động lực gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng đã đóng góp vào tăng trưởng 5,05% của nước ta trong năm 2023. Để khai thác hết tiềm năng tăng trưởng, theo tôi, cần có giải pháp đột phá quyết liệt hơn về thể chế và khai thông các thị trường.
Về thể chế: sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật, tuy đang từng bước được hoàn thiện, đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ làm sai trong một số cán bộ. Cần xử lý điểm nghẽn này bằng thiết chế đặc biệt để giải quyết tận gốc các nút thắt.
Đối với thị trường bất động sản, cần giải quyết triệt để nhằm khai thông các vướng mắc pháp lý cho các dự án. Nếu thị trường bất động sản được khai thông sẽ tạo ra sự luân chuyển vốn trong rất nhiều ngành nghề, đặc biệt nhà đầu tư tư nhân.
Mặt khác, cần giải quyết dứt điểm các tồn tại trong hệ thống ngân hàng bằng biện pháp tái cơ cấu thực chất và hiệu quả hơn; chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nâng tầm thị trường chứng khoán; khai thác mạnh mẽ các nguồn lực tài chính quốc gia còn rất lớn.
* Cả xã hội quan tâm đến lãi suất năm 2023 (giảm sâu), tỉ giá (tăng nhẹ), lạm phát (ở mức chấp nhận), vốn thừa khó hấp thụ… Liệu 2024 xu hướng này còn duy trì?
– Lạm phát bình quân của năm 2023 là 3,25%, khá thấp so với mục tiêu đặt ra 4,5%. Trong năm qua, do tín dụng tăng chậm, vốn thừa nhiều nên lãi suất huy động đã giảm xuống rất thấp so với đầu năm.
Mặc dù vậy, lãi suất cho vay còn cao do chi phí huy động bình quân còn khá cao, bắt nguồn từ khó khăn thanh khoản cuối năm 2022 buộc nhiều ngân hàng phải huy động lãi suất cao và kỳ hạn dài. Tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm 0,72%, do vậy dự báo lãi suất cho vay sẽ còn giảm xuống.
Các dự báo phần lớn cho rằng FED sẽ cắt giảm tổng thể khoảng 0,75% để đưa lãi suất về mức 4,5% và xu hướng USD cả năm là giảm giá so với nhiều đồng tiền khác. Riêng USD/VND khả năng tăng giá khoảng 3%.
* Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2024 khoảng 15%, theo ông, nền kinh tế có hấp thụ hết số này và liệu lãi suất tiền gửi hiện nay đã chạm đáy?
– Khác với bối cảnh kinh tế năm 2023 còn nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2024 sẽ tốt hơn nhờ các biện pháp của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, tổng cầu kinh tế thế giới năm 2024 bắt đầu tăng lên giúp xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng, tạo nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh hàng xuất nhập khẩu. Thuận lợi hơn nữa là lãi suất cho vay sẽ thấp dần xuống.
Do đó, khả năng đến cuối năm tín dụng có thể tăng 15%. Tuy nhiên, tín dụng cũng có thể tăng thấp hơn 15% với các rủi ro như: nợ xấu bắt đầu tăng cao, các thị trường chưa được khai thông đúng mức làm tổng cầu của nền kinh tế không tăng như dự kiến.
* Năm nay, Thủ tướng chỉ đạo định hướng phát triển thị trường chứng khoán. Theo ông, cần có những giải pháp cụ thể, khả thi gì để thị trường này phát triển, tác động tích cực đến thị trường tài chính, cũng như nền kinh tế?
– Ngày 28-2, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, trong đó nhấn mạnh cần nỗ lực, quyết tâm để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất, mang tầm chiến lược.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện thêm một số các tiêu chí: nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài trong một số ngành nghề, quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do hóa của thị trường ngoại hối, các giao dịch thỏa thuận cần được tự do hơn, chấp nhận bán khống…
Các nhận diện về các tiêu chí yêu cầu của các tổ chức xếp hạng quốc tế đối với thị trường chứng khoán thực ra đã được thảo luận và thực hiện hơn 10 năm nhưng tiến độ còn rất chậm. Cần có quyết tâm mạnh mẽ hơn, cần vạch ra một lộ trình chi tiết nhằm đáp ứng được các tiêu chí nêu trên để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.